Tôi mê đọc báo từ khi còn là một chú bé quàng khăn đỏ. Tờ báo tôi đọc lúc đó là tờ “Thiếu niên tiền phong”, ra mỗi tuần một số. Tôi đọc không sót một dòng nào trên các trang báo.

Lại nhớ vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, báo Thiếu niên tiền phong mở cuộc thi thơ dành cho các bạn lứa tuổi thiếu niến nhi đồng trên miền Bắc. Tôi hăm hở tham gia. Bài thơ tôi viết về đàn gà nhà tôi với câu kết tôi còn nhớ: “Ơi các chú gà ơi,/ Sao mà ta yêu thế”. Phía dưới bài thơ còn hý hoáy vẽ cảnh một đàn gà đang nhặt thóc trên sân dựa theo hình vẽ trong sách tập đọc lớp một. Cuộc thi kết thúc với giải nhất thuộc về nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa. Cha tôi vốn là nhà giáo chứng kiến việc tôi thi thơ thì tủm tỉm cười rồi nói với cả nhà: “Kể cũng buồn cười, cái thằng này cứ hý ha hý hoáy viết, vẽ rồi cuối cùng chẳng thấy gì”. Tôi vừa ngượng vừa… tức.

Từ năm lớp 8 trở đi ngày nào tôi cũng mua báo Nhân Dân để tôi và cha tôi cùng đọc, còn báo Hànộimới, tôi đi xe đạp lên thẳng toà soạn cách nhà tôi hơn cây số để đọc trong hộp kính treo ngoài cổng để tiết kiệm tiền mua báo. Chính vì chăm đọc báo mà các bài văn tôi viết đều được các thầy cô khen là có giọng văn chững chạc hơn các bạn cùng lứa. Đặc biệt năm học lớp 7 và lớp 10 tôi đều được tham gia đội tuyển đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc.

Tháng 12-1972, khi không quân Mỹ ném bom Hà Nội trở lại với những pháo đài bay B.52, định san bằng những khu dân cư đông đúc của Hà Nội thì lúc đó hầu như cả nhà tôi vẫn ở phố Ngô Thì Nhậm, chỉ trừ anh tôi đang ở bộ đội đóng quân nơi xa, chị tôi là sinh viên Đại học y khoa đang học sơ tán ở Thanh Thuỷ, Vĩnh Phú (cũ). Tôi và cậu em học ngay ở trường phổ thông cấp 3 Yên Hoà thuộc xã Yên Lãng bên kia sông Tô Lịch, còn bên này là đường Láng, tối nào anh em tôi cũng về nhà trong phố. Những ngày ác liệt đó đã hằn trong trí nhớ của tôi khi ngay trong 12 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng với B.52 của quân và dân thủ đô, tôi có đến thăm ngôi nhà của anh Thước, chị Quỳ. Anh chị vốn là giáo viên trường phổ thông cấp 2 Nhân Chính, Từ Liêm. Anh là giáo viên dạy toán còn chị dạy hoá. Ngoài dạy học anh Thước còn vẽ rất giỏi. Chị Quỳ chính là chị ruột của chị dâu tôi. Anh chị là người xin cho hai anh em tôi vào học ở trường cấp 3 Yên Hoà. Ngôi nhà của anh chị còn nguyên vẹn, vườn của gia đình rừng rực đỏ màu của những bông hoa lay ơn nở rộ chào đón xuân sang. Còn anh chị và bốn cháu con của anh chị đã ra đi vĩnh viễn. Bom B52 đã rải trúng hầm của anh chị và các cháu. Tối ngày 26-12 năm đó, tức 8 ngày sau khi bom trút xuống xã Yên Lãng có ngôi nhà của anh chị Quỳ, Thước đấy, B52 lại trút bom xuống các ngõ phố Khâm Thiên, một trong những nơi đông đúc nhất Hà Nội. Ngay sáng 27-12, tôi liền đạp xe xuống phố Khâm Thiên, chứng kiến xe xích lô chở các quan tài sơn đỏ đi vào các ngõ phố, chứng kiến các khuôn mặt thất thần, các đôi mắt vằn tia đỏ… Về nhà gặp lúc cha tôi đang ngồi viết thư cho chị tôi đang ở nơi sơ tán. Cha giục tôi cũng viết cho chị rồi hai cha con bỏ thư chung phong bì. Bao nhiêu cảm xúc trong lòng tôi trút hết ra trang giấy. Cuối thư tôi còn viết tặng chị một bài thơ tôi vừa nghĩ ra. Đọc thư có bài thơ tôi viết trước khi cho vào phong bì, cha tôi với cây kính lão trầm ngâm thốt lên: “Thơ tao đọc trên báo cũng chỉ thế này !”.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi liền lấy giấy bút ra chép bài thơ bí mật đem đi gửi báo Hànộimới sau khi bỏ bức thư cho chị tôi ở bưu điện. Sau đấy ngày nào tôi cũng ra toà soạn báo Hànộimới đọc, bất chấp Hà Nội vẫn đang bị  máy bay Mỹ đánh phá. Ngày chủ nhật 7-1-1973, sau khi Hà Nội đã kết thúc trận “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, tôi lại đạp xe lên toà báo, cắm mặt vào khung kính ngoài toà soạn để đọc. Bất chợt tôi thấy tên mình xuất hiện trong một bài báo ở trang cuối. Khỏi phải nói là tôi xúc động đến thế nào. Lập tức tôi mua ngay tờ báo mang về khoe cả nhà. Anh tôi là bộ đội đang được về chơi nhà ít bữa trước khi trở lại đơn vị đọc xong phấn khởi vỗ tay kêu to: “Hoan hô nhà thơ tương lai”; Sau đấy anh lấy thước kẻ và bút bi gạch dưới tên tôi trong bài báo đó. Đến bây giờ tên tôi và các bút danh đã xuất hiện nhiều dưới các bài báo, bài thơ tôi viết, các tác phẩm tôi dịch từ tiếng Pháp, nhưng có lẽ không bao giờ tôi quên cái cảm giác xúc động của một cậu thanh niên sắp tròn 17 tuối lúc đó. Sau đây là toàn văn bài báo đó và bài thơ đã nói ở trên.

Làm thơ dưới bom đạn

Người Hà Nội đánh giặc bằng súng đã đành, còn đánh giặc cả bằng thơ nữa. Ngay từ sau đêm 18-12, cùng với súng và tên lửa Hà Nội, những người làm thơ của Hà Nội cùng đồng loạt “nố” những vần thơ phẫn nộ tố cáo tội ác man rợ của kẻ thù và sảng khoái ca ngợi những chiến công hiển hách của Hà Nội mình.

Hàng nghìn bài thơ của các cây bút quen biết và của cả những người mới làm thơ lần đầu thuộc đủ các lứa tuổi đã tới tấp gửi đến các toà soạn báo, Hànộimới nhận được hàng trăm bái. Nhà thơ Huy Cận đã 3 lần đích thân đưa thơ mình đến cho báo. Trong những ngày lịch sử này thơ ông càng “tả xung hữu đột”. Em Minh Thiều, học sinh Hà Nội sơ tán học ở Trường cấp 3 Yên Hoà (Từ Liêm) kèm theo bài thơ gửi báo đã viết: “Đêm 18-12 giặc Mỹ đã đánh phá dã man khu vực trường em. Vợ chồng anh chị Chu Bá Thước cùng 4 đứa con đã bị bom Mỹ giết hại. Láng, đuờng Láng yêu dấu đầy bóng cây xanh mát đã bị quân giặc tàn phá. Nhiều bạn em ở Khâm Thiên kịp đi sơ tán nhưng nhà cửa bị bom B52 làm cho đổ nát. Tên khát máu Nich-xơn! Loài người đời đời nguyền rủa mày!...”

Tiếc rằng với khuôn khổ tờ báo có hạn, chúng tôi không thể đăng tất cả các bài thơ đã nhận đước. Xin cảm ơn các bạn đã gửi thơ. Cùng với lửa và thép Hà Nội, thơ của các bạn đã góp phần xứng đáng làm đẹp thêm những chiến công tuyệt vời của Hà Nội chúng ta.

      Tổ thơ Hànộimới

Bài thơ tôi viết với đầu đề “Hà Nội hiên ngang trong lửa đạn sáng bừng”:

Đã lâu rồi nay em lại làm thơ gửi chị/ Trời Thăng Long xanh biếc đã sang đông/ Nắng vẫn rọi sáng bừng đường phố mới/ Trên các ngả đường cuồn cuộn chảy người đi/ Giặc Mỹ dã man đánh vào Hà Nội/ Trái tim yêu thương cả nước căm hờn/ Hà Nội ơi hôm nay bao máu chảy/ Mà cây cối đổ ngổn ngang, nhà sập đổ tơi bới/ Trên khuôn mặt mỗi người cháy bừng căm giận/ Dạ sắt gang mắt đỏ bừng bừng/ Nén tiếng khóc mà tim đau cổ nghẹn/ Cháy rực lòng ta nhớ mãi những ngày này/ Nghìn năm sau còn nhớ những ngày/ Hà Nội đứng lên thành pháo đài chống Mỹ/ Hà Nội đứng lên thành dũng sỹ/ Hiên ngang trong lửa đạn sáng bừng/ Lũ chúng đến một bầy quái vật/ Mang đau thương tang tóc đến gieo/ Chơi với lửa sẽ chết vì lửa/ Rồng Thăng Long vít cổ B.52/ Thôi em xin gửi bài thơ Hà Nội/ Còn nguyên mùi nồng khét của bom/ Hà Nội giờ còi bắt đầu lại rít/ Chúng mày cứ đến đây sẽ có lửa tiếp đón chúng mày”.

24-5-2024      

Văn Minh Thiều