Quân giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Báo tháng 4 - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, Quảng Trị là địa bàn đặc biệt quan trọng - nơi diễn ra nhiều trận đánh dữ dội nhất mà điển hình là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (từ 28-6 đến 16-9-1972). Đây được xem như là thiên sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, được viết tiếp bằng Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng.
Để thấy được tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến, cần nhìn lại một số mốc lịch sử có liên quan diễn ra trong năm 1972.
Để ép ta trên bàn ngoại giao, Mỹ thực hiện hàng loạt những “bước đi” táo bạo, liều lĩnh, thâm độc chưa từng có, như thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta lần thứ hai; thả mìn, thuỷ lôi phong toả các cửa sông, cảng biển của miền Bắc; mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay ném bom B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương khác... Đặc biệt là Tổng thống Mỹ - Ních-xơn đã chủ động tiến hành hai chuyến đi thăm Trung Quốc (2-1972) và Liên Xô (5-1972) với ý đồ vừa nhằm khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Liên Xô, vừa lợi dụng vị thế, ảnh hưởng của hai nước này tác động, gây sức ép Việt Nam theo hướng có lợi cho Mỹ.
Chuyến thăm của Ních-xơn trên thực tế tuy đã gây khó khăn, bất lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, nhưng lại càng “đốt lên” lòng yêu nước, tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị chính thức thông qua kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972, chọn Trị - Thiên là hướng tiến công chủ yếu. Vì, Trị - Thiên có vị trí chiến lược quan trọng, vừa là địa bàn tiếp giáp với hậu phương lớn miền Bắc, vừa là nơi ta có các đơn vị chủ lực lớn đứng chân hoạt động; ngược lại lực lượng và thế bố trí của địch yếu hơn so với các hướng khác; giải phóng Quảng Trị để bảo vệ và giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn cho toàn bộ chiến trường miền Nam.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật chất, cách đánh, ngày 30-3, các đơn vị của ta đồng loạt mở cuộc tiến công vào tuyến phòng thủ Đường 9 - Quảng Trị, Kon Tum (Tây Nguyên) và miền Đông Nam Bộ, khiến quân địch bị bất ngờ về hướng và quy mô cuộc tiến công, phải bị động đối phó.
Trên hướng Trị -Thiên, quân ta mở cuộc tiến công và lần lượt tiêu diệt các căn cứ, vị trí Động Toàn, Ba Hồ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Đầu Mầu, Điểm cao 241... phá vỡ tuyến phòng thủ Đường 9 – bắc Quảng Trị sau 6 ngày chiến đấu mãnh liệt, kết thúc đợt 1 chiến dịch. Trong đợt 2 từ 14 đến 26-4, quân ta dồn dập pháo kích, tiến công và làm chủ các vị trí, địa bàn Đông Hà, Ái Tử, Lai Phước, La Vang, vây ép địch ở thị xã Quảng Trị, buộc chúng phải rút chạy sau đó.
Ngày 2-5-1972, quân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Sau chiến thắng quan trọng này, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương chủ trương nhân lúc địch đang hoang mang, rối loạn, tập trung lực lượng phát triển tiến công kết hợp với nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt địch, giải phóng tỉnh Thừa Thiên, kể cả thành phố Huế.
Lo sợ bị mất địa bàn chiến lược này, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn vội điều động lực lượng lớn cùng vũ khí, trang bị tăng cường bảo vệ Huế, Đà Nẵng và tái chiếm Quảng Trị. Từ ngày 25-6, quân đội Sài Gòn đã tập trung lực lượng, phản kích tái chiếm Quảng Trị dưới sự yểm trợ tối đa của máy bay ném bom và pháo các loại trong đất liền và từ tàu chiến ngoài biển bắn phá...
Cuộc chiến đấu ác liệt chưa từng có của các đơn vị bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã diễn ra trong 81 ngày đêm, dưới mưa bom, bão đạn của địch, trở thành bản hùng ca của ý chí quyết tâm và lòng quả cảm đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của toàn dân, toàn quân, uy hiếp tinh thần chiến đấu của Mỹ - ngụy, góp phần duy trì thế mạnh của ta trên bàn đàm phán ở Pa-ri, tạo thời cơ chín muồi cho trận “quyết chiến chiến lược” mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Người viết bài này đã nhiều lần đến Thành Cổ, vào thăm bảo tàng và khi nhìn những thảm cỏ xanh mọc khắp thành nội, tôi cảm nhận một cách rõ ràng sự ác liệt đã diễn ra trên mảnh đất lịch sử này cách đây nửa thế kỷ. Theo số liệu trong bảo tàng Thành Cổ, trong thời gian chưa đầy 3 tháng, trên một diện tích mỗi chiều chưa đến 1km bên trong bức tường thành, quân địch đã ném xuống và pháo kích tổng cộng trên 35.000 tấn bom đạn, một mật độ bom đạn dày đặc nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh. Số bom đạn đó đã biến Thành Cổ thành bình địa; đất, gạch, cây cối, kể cả thi hài của những người lính chưa kịp thu dọn, đưa ra ngoài, còn bị đào lên, vùi xuống không biết bao nhiêu lần.
Tôi tự hỏi vì sao những con người bằng xương bằng thịt bảo vệ Thành Cổ lại chống chọi và bám trụ được trong ngần ấy thời gian? Vẫn biết rằng sự tổn thất hằng ngày của các đơn vị bảo vệ Thành Cổ là không hề nhỏ, nhưng để chiến đấu bám trụ được, mỗi cán bộ, chiến sĩ ở đây phải có thần kinh thép; có lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chiến đấu và tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho. Chính sự giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng đó mới là cội nguồn của ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm để bộ đội ta chiến đấu trong những điều kiện gian khổ, ác liệt và bất lợi như vậy trước số quân đông, bom đạn huỷ diệt tàn bạo của kẻ thù.
Cuộc chiến đấu kiên cường trong suốt 81 ngày đêm; chiến công và sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 đã, đang và sẽ tiếp tục sống mãi trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam chúng ta.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh