Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo trên cả nước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Theo công bố của Bộ LĐTBXH về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc: Tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ.

Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là tại huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều là 55,45% với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 538.737 hộ.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được gắn kết chặt chẽ. Một số chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống, hiệu quả tác động chưa cao. Điều này đã làm cho hiệu quả của việc giảm nghèo có lúc phản tác dụng, khuyến khích người nghèo lười lao động.

Trong đó, việc phân loại đối tượng thành nhiều nhóm với mức độ nghèo và tình trạng lao động khác nhau (mất sức lao động; một người lao động phải “gánh” quá nhiều nhân khẩu; có sức lao động, nhưng không làm việc; có thể lao động, nhưng mất việc...) còn chưa cụ thể, rõ ràng để có giải pháp thích hợp với từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, những hộ không thể thoát được nghèo, do khuyết tật, do không có năng lực lao động, gia đình neo đơn, già yếu… cần được chuyển sang nhóm đối tượng được bảo trợ xã hội. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát đối tượng có khả năng lao động thì cũng cần làm rõ nhu cầu hỗ trợ, đầu tư cụ thể như: việc làm, vốn, đất đai...?

Việc phân loại đối tượng hỗ trợ cụ thể sẽ hạn chế tình trạng nhiều chương trình giảm nghèo cơ chế tổ chức thực hiện còn chồng chéo, manh mún, nhiều chi phí trung gian dẫn đến đồng vốn đến tay người nghèo chưa được như mong muốn; nơi cần vốn thì chưa có; nơi chưa cần và khi chưa cần thì lại có. Việc xem xét, rà soát chính sách, sắp xếp lại theo hướng tập trung, giảm bớt văn bản để hệ thống chính sách giảm nghèo có độ bao phủ rộng, rõ thời gian, đối tượng sẽ đem lại hiệu quả giảm nghèo bền vững thông qua hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Công tác bám sát thực tiễn, địa bàn và rà soát phân loại đối tượng phục vụ công tác giảm nghèo đòi hỏi các cấp uỷ, chính quyền tập trung chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cấp xã, thôn, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo, đến từng hộ để khảo sát, tìm hiểu kỹ về gia cảnh để có phương án hỗ trợ thích hợp như: Đối với các gia đình già yếu, bệnh tật, thiếu lao động, không có khả năng thoát nghèo, cần vận động xã hội hỗ trợ và thực hiện chính sách xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Về lâu dài, xếp những đối tượng này vào diện bảo trợ xã hội thường xuyên; đối với gia đình có nhân lực, có nhu cầu lao động nhưng thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm. Đây là nhóm có khả năng thoát nghèo cao, cần tập trung cho vay vốn, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tạo việc làm để thoát nghèo...

Trong năm 2023, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ khoảng 1 đến 1,5%. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách giảm nghèo, xây dựng chính sách giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều phù hợp, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; các chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.

Hồ Thanh Hương