Trước các mối nguy cơ từ tên lửa chống tăng vác vai hay UAV tự sát, khả năng bảo vệ thụ động bằng giáp phức hợp là không đủ và việc áp dụng các giải pháp phòng thủ cứng hay APS là cần thiết. Đại diện rõ ràng nhất cho hệ thống chức năng như vậy chính là tổ hợp Arena-M của Nga. Nó có chức năng tương tự như tổ hợp Trophy hay Iron Fisrt của Israel.

Arena-M về cơ bản công nghệ áp dụng được kế thừa từ hệ thống Arena phát triển từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, nó đã được nâng cấp để phù hợp với khả năng hoạt động trong môi trường phi đối xứng thay vì chỉ trang bị trên các dòng xe tăng đột phá như T-80.

Một tổ hợp Arena-M hoàn chỉnh bao gồm một trạm cảm biến được lắp trên đỉnh tháp pháo với radar xung Doppler đa chức năng giúp phát hiện các mối nguy cơ tiềm năng đe dọa phương tiện. Cùng với đó là 26 đạn đánh chặn bố trí xung quanh tháp pháo, cung cấp khả năng đánh chặn từ 220-270 độ ở bán cầu trước và hai bên thân xe.

Khi nhận diện đạn tấn công, hệ thống cảm biến sẽ truyền số liệu về cho máy tính điều khiển. Dựa vào thông số về tọa độ, vận tốc của đạn chống tăng, máy tính điều khiển sẽ kích hoạt hệ thống đánh chặn ở vị trí phù hợp. Sau đó, tổ hợp sẽ phóng đạn đánh chặn tạo ra chùm mảnh văng phá hủy hoặc giảm khả năng sát thương lên xe tăng.

Tổ hợp Arena-M có thời gian phản ứng với mục tiêu chỉ 0,07 giây. Nó có thể đối phó với các mục tiêu có tốc độ lên đến 700m/s và khả năng phân biệt mồi bẫy giả để tăng xác suất đánh chặn mục tiêu.

Khác biệt so với phiên bản gốc, Arena-M có thể được lắp đặt trên nhiều dòng phương tiện chiến đấu khác nhau như BMP, BMPT hay BTR. Giới chuyên gia quân sự Nga đánh giá, Arena-M giúp nâng khả năng sống sót của phương tiện lên gấp 3 lần khi đối đầu với các loại đạn chống tăng hiện đại.

Vấn đề duy nhất của Arena-M chính là giá thành đắt đỏ. Mỗi tổ hợp có giá tới gần 1 triệu USD. Tuy nhiên, từ thực tế chiến trường hiện nay, Quân đội Nga đang từng bước trang bị vũ khí phòng thủ này trên các dòng phương tiện chiến đấu hiện có.

Kim Ngân