Nhà tưởng niệm tại Rào Trăng.

8 người may mắn thoát ra, 13 người bị đất đá vùi lấp. Dấu vết của vụ sạt lở núi cách đây 4 năm, vẫn còn. Nhà tưởng niệm đã được xây dựng lên tại đây, để tưởng nhớ 13 liệt sĩ hy sinh khi đang đi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.

Trở lại Rào Trăng  

Dưới trưa hè tháng bảy, chúng tôi đứng ở sân UBND xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên Huế), hướng mắt nhìn về phía tây. Nơi những ngọn núi chập chùng, nối đuôi nhau đến hút mắt kia, có một dòng sông mang tên rất hiền hòa, thơ mộng: Rào Trăng.

Từ xưa, người ta chỉ biết đến sông Rào Trăng là phụ lưu của dòng sông Bồ. Sông chỉ dài có 26km, chảy qua xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Thế rồi ngày 12-10-2020, khi nhận tin có 17 công nhân bị núi vùi lấp ở công trình Thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 liền tổ chức Đoàn công tác, gồm 21 người, khẩn trương hành quân đến hiện trường, tìm phương án cứu nạn. Do điều kiện thời tiết nguy hiểm, đoàn phải tạm dừng tại nhà làm việc của Kiểm lâm sông Bồ, tại tiểu khu 67. Khoảng 0 giờ, ngày 13-10-2020, một quả núi bỗng đổ sập xuống, vùi lấp toàn bộ ngôi nhà, nơi đoàn công tác đang nghỉ. Kể từ đó khi nhắc đến Rào Trăng, người ta biết đây là nơi những cán bộ, sĩ quan QĐND Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại, trên đường đi cứu giúp nhân dân.

Theo số liệu của thiết bị dẫn đường GPS, cũng như người dân cho biết thì từ trụ sở UBND xã Phong Xuân vào tới tiểu khu 67, nơi sự cố sạt núi xảy ra chỉ khoảng 24km. Nhưng để đi vào và ra phải mất khoảng 6 giờ.

Sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành trên chiếc xe bán tải, có hai cầu dẫn động, thuê của người tại địa phương. Khi xe bắt đầu vào con đường chiến lược 71, thì dừng lại đón thêm một “Sơn tràng” chính hiệu. Một chiếc cưa máy cầm tay, một con dao rựa dài là những thứ được người thợ rừng mang theo.

Càng vào sâu đường đi càng cheo leo, không còn là mặt đường. Nước mưa đã xói trôi hết đất, làm những tảng đá lớn nhỏ nhô lên lởm chởm. Xe lầm lũi “bò” đi, lúc nào cũng muốn trơn trượt. Thỉnh thoảng, một cây keo đổ xuống chắn ngang đường. Lúc này, chiếc cưa máy của người “Sơn tràng” mới phát huy tác dụng. Người lái xe tên Hùng kể: “Những ngày đó, xã Phong Xuân như có chiến tranh. Bộ đội và các thiết bị quân sự tập kết tại sân của UBND xã rất nhiều. Trời mưa lớn, nhưng tinh thần vô cùng khẩn trương, ngột ngạt... Chúng tôi chỉ biết ngóng về phía Rào Trăng, thầm mong cho một phép màu sẽ đến...”.

Quang cảnh hai bên đường đi thật buồn, những ngọn núi đất như đang gối đầu vào nhau. Cây xanh không có, chỉ thưa thớt vài đám cỏ úa và chằng chịt những rãnh nước xói trơ đất đỏ. Phải rồi, đồi núi trọc không có cây cối và sạt lở, lũ cuốn có mối quan hệ nhân quả với nhau mà!

Xe dừng lại, sau khi vượt qua một con dốc lớn. Chính tại nơi đây,13 đồng chí trong đoàn cứu hộ, cứu nạn đã hy sinh... Nhà tưởng niệm các liệt sĩ hiện ra trang nghiêm dưới nắng rừng lộng gió. Một tấm bia đá màu đen khắc ghi rõ đầy đủ dữ liệu, của sự cố đau lòng xảy ra đêm năm ấy... Cảm giác nghèn nghẹn dâng lên trong lồng ngực. Được biết sau 2 năm kể từ đêm các anh ngã xuống, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và hoàn thành ngày 27-7-2023, công trình tâm linh này để tôn vinh, tưởng nhớ đến các anh.  

Trên ban thờ các liệt sĩ, một bó hoa rừng mộc mạc vẫn còn tươi. Anh Hùng nói: Hoa của dân “Sơn tràng” đấy... Chúng tôi lặng lẽ sắp lễ, dâng hương, cúi đầu trước bàn thờ tưởng niệm. Giữa núi rừng vắng lặng chiều hè không một bóng người, chỉ nghe tiếng gió giữa mênh mang, khói hương cuộn bay lên. Ngọn núi cụt đầu bên trái nhà bia vẫn còn đó. Dù cây rừng đã phủ xanh phần nào, nhưng vết sẹo đất - dấu vết của đêm oan nghiệt vẫn còn toang hoác nơi lưng chừng núi. Bất chợt tôi trộm nghĩ, rồi đây khi thời gian đã trôi đi, khi những cây dại của núi rừng bắt đầu mọc lên, che kín vết sẹo nứt toác kia, thì sự cố Rào Trăng năm ấy liệu có phai mờ trong ký ức...

Ngày ngày mẹ của L.S Nguyễn Tất Thắng vẫn ngồi nhìn về phía con đường... 

Quê nhà quạnh quẽ

Trong số 13 quân nhân hy sinh tại Rào Trăng ngày 13-10-2020, thì tỉnh Nghệ An có 4 người. Tôi còn nhớ ngày đón các anh về, xứ Nghệ trời đổ mưa tầm tã. Nước mắt hòa lẫn nước mưa trên khuôn mặt những người đưa tiễn.

Nhà liệt sĩ Lê Tất Thắng ở xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Trước khi hy sinh, Trung tá Lê Tất Thắng công tác tại Lữ đoàn 80, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Căn nhà nằm khiêm tốn bên dòng sông đào. Nơi thềm nhà, một người phụ nữ độ thất tuần ngồi như bất động, đôi mắt dõi nhìn xa xăm ra phía con đường, lặng im, không hề phản ứng khi chúng tôi bước vào... Thiếu phụ ấy là bà Phượng - mẹ của liệt sĩ Thắng.

P.V Báo CCB Việt Nam dâng hương tại khu tưởng niệm Rào Trăng

Tôi đã từng nghĩ, một đất nước phải hứng chịu nhiều khói lửa chiến tranh, thì hình dáng nỗi đau mất con và mất chồng đều giống nhau. Nhưng có lẽ tôi đã sai. Bởi nỗi đau không có hình thù để so sánh. Nhất là khi các anh ngã xuống trong thời kỳ đất nước đã độc lập, hòa bình. Nỗi đau của mẹ và vợ của liệt sĩ Thắng cũng như vậy, không giống với ai.  

Năm 1970, bà Phượng bắt đầu đằng đẵng chờ chồng trong suốt nhiều năm chống Mỹ. Năm 1976, khi không còn hy vọng, thì ông đột ngột trở về, trên mình đầy thương tích.

Ngày 11-10-2020 là chủ nhật. Trung tá Lê Tất Thắng đang tranh thủ thay viên ngói bếp, thì nhận lệnh hành quân vào Rào Trăng. Vợ đang ốm, nên anh chỉ kịp dặn mẹ: “Con phải hành quân. Tý nữa mẹ múc cháo cho vợ con ăn với...”, rồi vội vàng lên xe. Trời đổ mưa rất to.

Hai ngày sau, cả nước bàng hoàng nghe tin vụ sạt lở thứ hai ở Rào Trăng. Cả gia đình bà Phượng sống trong thấp thỏm. Là thương binh, từng trải qua chiến tranh, nên ông Thanh (bố liệt sĩ Thắng) cố giữ sự điềm tĩnh, làm chỗ dựa cho cả gia đình. Thế nhưng, tất cả đều gục xuống khi chiếc xe quân sự đỗ trước cổng nhà Trung tá Lê Tất Thắng...

Liệt sĩ Thắng được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ T.P Vinh.  Khi bỏ nắm đất xuống mộ chồng, là lúc cô giáo Lê Ngọc Diệp ngất xỉu. Suốt nhiều tháng sau đó, cô giáo Diệp thường lang thang trên cánh đồng làng vào lúc nửa đêm, rồi tìm cách tự tử...  

Chưa tròn 1 năm Trung tá Lê Tất Thắng hy sinh, thương binh Lê Văn Thanh đã ra đi... Ông đã không thể chịu đựng nổi nỗi đau mất đi người con trai duy nhất... Trong một trang nhật ký để lại, người cha liệt sĩ đã viết cho cô giáo Diệp: “...Vậy là cha không thể gắng gượng thêm để làm chỗ dựa cho mẹ, con và các cháu được nữa rồi. Chỉ xin con đừng tìm cách chết. Bởi mẹ đã già, các cháu còn quá nhỏ... họ rất cần con...”.

Ngày đón các anh về...

Vậy là đã 4 năm trôi qua kể từ khi sự kiện Rào Trăng xảy ra, nhưng nỗi đau của mẹ và vợ của những người lính đã hy sinh năm đó thì vẫn chưa thể trở lại bình thường. Ai đó đã nói: “Thời gian sẽ làm lành nỗi đau”. Nhưng với những người phụ nữ này, chính thời gian lại làm cho nỗi đau của họ càng sâu, rõ nét hơn. Trong ngôi nhà mà đã lâu không còn mùi và giọng nói của đàn ông, cả hai người phụ nữ buộc phải nén tiếng thở dài vào sâu trong lồng ngực, để không làm đau đến người khác. May thay, con trai đầu của liệt sĩ Thắng, đã trở thành sinh viên của Trường đại học Y khoa Huế. Cô Diệp chia sẻ: Chồng mới hy sinh chưa tròn năm, thì bố chồng cũng mất. Nếu như không có sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, đặc biệt là các đồng đội của anh Thắng thì chắc chắn, gia đình tôi không thể vượt qua cú sốc lớn này.

Ngoài gia đình liệt sĩ Lê Tất Thắng, chúng tôi cũng đã đến nhà các liệt sĩ khác ở Nghệ An, hy sinh tại Rào Trăng năm ấy (Nguyễn Tiến Dũng, Đinh Văn Trung, Nguyễn Cảnh Cường). Qua đó, chúng tôi rất ghi nhận chính sách của Bộ Quốc phòng, đối với gia đình, thân nhân liệt sĩ. Nhờ chính sách chu đáo, kịp thời và đặc biệt là sự quan tâm của các đồng đội, đồng đội đã giúp cho gia đình liệt sĩ vượt qua mất mát, đau thương không gì bù đắp của họ. Chỉ mong sao trong tương lai, máu của các chiến sĩ không còn đổ xuống trong thời bình...!

Thế Sơn