Công trình cầu Vĩnh Tuy nằm trên tuyến đường vành đai 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển Thủ đô đến năm 2020 tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998. Việc xây dựng cầu Vĩnh Tuy nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và nối với Quốc lộ 5, đây là tuyến mạng lưới giao thông quan trọng của Thành phố trong việc giải quyết bức xúc trong giao thông đô thị. Ngoài ra, cầu Vĩnh Tuy còn có tác dụng nối hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng và còn có ý nghĩa thiết thực trong việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế hai khu vực Bắc - Nam sông Hồng; tạo thuận lợi cho việc phát triển các khu đô thị và công nghiệp phía Bắc sông Hồng của Thành phố, góp phần tăng cường giao lưu và phát triển kinh tế giữa Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực kinh tế trọng điểm.
Cầu Vĩnh Tuy được khởi công ngày 3/2/2005 là một trong 7 cây cầu vượt sông Hồng, khi hoàn thành sẽ góp phần phân bớt lưu lượng xe, giảm ách tắc giao thông nội đô qua cầu Chương Dương và đáp ứng nhu cầu vận chuyển các phương tiện từ phía Bắc và phía Nam đi qua Thủ đô.
Theo Ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Giám đốc Ban Quản lý dự án hạ tầng tả ngạn, Cầu Vĩnh Tuy là một trong các sự án trọng điểm hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và là công trình giao thông quan trọng của Thủ đô, khi hoàn thành dưa vào sử dụng góp phần giảm sự quá tải, ùn tăc giao thông cửa ngõ phía Đông đi vào thành phố (qua cầu Chương Dương). Cầu Vĩnh Tuy có tổng kinh phí đầu tư lên tới 4000 tỷ đồng, là công trình được nghiệm thu bởi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. Dự tính ban đầu kinh phí đầu tư khoảng 3500 tỷ đồng. Mức trượt giá sau mấy năm vừa qua như vậy, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải là thấp, nguyên do bởi việc giải phóng mặt bằng đã được làm gọn trong thời gian đầu. Bên cạnh việc hoàn thành đường đầu cầu và phần đường dẫn để đưa một phần dự án vào khai thác sử dụng bắt đầu từ ngày 26/9 tới, công trình sẽ được hoàn thành toàn bộ vào tháng 6/2010, để phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. **Các khẩu chuẩn bị cuối cùng cho lễ thông xe cầu Vĩnh Tuy ngày 26-9 **
Cho đến thời điểm này, công tác triển khai dự án để phục vụ thông xe cơ bản đã hoàn tất. Đối với phần cầu chính vượt sông đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn lại các công tác hoàn thiện như: vệ sinh lòng dầm hộp, sơn kiến trúc phần cầu thuộc gói thầu số 9, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong lòng hộp. Ngày 28/8/2009, Sở Giao thông vận tải cũng đã có Quyết định số 1220/QĐ-GTVT, về việc tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thông xe cầu Vĩnh Tuy. Theo đó, các phương tiện từ phía Bắc sông Hồng (Gia Lâm, Long Biên), qua cầu Vĩnh Tuy đi vào thành phố theo hướng sau: đường Nguyễn Văn Linh - đường trục Khu công nghiệp Hanel- đường 40m- cầu Vĩnh Tuy - đường Minh Khai, Nguyễn Khoái. Bên cạnh đó, các phương tiện có tải trọng toàn bộ < 10 tấn, từ Thạch Bàn, Long Biên Xuân Quan đi vào đường 40m của dự án cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai, Nguyễn Khoái. Đối với các phương tiện phía Nam sông Hồng (đường Minh Khai, Nguyễn Khoái) qua cầu Vĩnh Tuy đi quốc lộ 5, Gia Lâm, Long Biên theo hướng sau: đường Minh Khai, Cầu Vĩnh Tuy - đường 40m của dự án - đường trục Hanel - đường Nguyễn Văn Linh (QL 5, Gia Lâm, Long Biên); Đường Nguyễn Khoái (rẽ vào cầu nhánh nối với cầu chính để lên cầu)- Cầu Vĩnh Tuy - đường 40m của dự án - đường trục Hanel - đường Nguyễn Văn Linh (QL 5, Gia Lâm, Long Biên). QĐ trên cũng quy định không mở cổng Cảng Hà Nội phía Vĩnh Tuy, các phương tiện ra vào Cảng Hà Nội chỉ đi theo cổng Cảng đường Lãng Yên. Ngày 26-9-2009 tới đây, Lễ thông xe cầu Vĩnh Tuy sẽ được tổ chức trọng thể, tiết kiệm, thể hiện niềm tự hào của cán bộ, nhân dân Thủ đô đối với cây cầu bắc qua sông Hồng do Thành phố Hà Nội tự thiết kế, huy động vốn và tổ chức thi công xây dựng. Hiện tại, các phần việc dự án hoàn thành đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu và cho phép đưa vào sử dụng kể từ ngày 16/9/2009. Sau lễ thông xe, cầu Vĩnh Tuy tiếp tục được sử dụng bình thường.
Bài và ảnh: Quang Vinh