1. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV thành công tốt đẹp
    Ngày 22-5-2016, cử tri cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Cuộc bầu cử được tổ chức công khai, dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là Ngày hội của toàn dân. Đã có 67.049.091 cử tri tham gia bỏ phiếu trên tổng số 67.485.482 cử tri trong cả nước, đạt tỷ lệ 99,35%; tổng số người trúng cử đại biểu Quốc hội là 496 người.
    Kết quả bầu cử được đánh giá bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra; thành phần, cơ cấu đại biểu cơ bản phù hợp với dự kiến, phản ảnh tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước, chất lượng đại biểu nâng lên.
  2. Lần đầu tiên thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức theo quy định của Hiến pháp năm 2013
    Triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tiến hành nghi thức tuyên thệ nhậm chức với việc trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
  3. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, hiệu quả với nhiều hình thức đổi mới
    Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn-phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Tổng cộng có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; trong đó, có hơn 20 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, có hơn 35 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tranh luận.
  4. Lần đầu tiên việc làm luật dựa trên sáng kiến của đại biểu Quốc hội
    Trong bối cảnh Nhà nước ta đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân, việc lần đầu tiên Ban soạn thảo Dự án luật được thành lập trên cơ sở sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quan trọng, là một trong những dấu ấn nổi bật trong công tác lập pháp của Quốc hội trong năm 2016. Theo đó, ngày 1-12-2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công.
  5. Quốc hội tiếp tục đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước
    Một trong những điểm đáng chú ý là việc lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn khi thông qua các Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
  6. Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội Thế giới
    Ngày 12-12, Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 khai mạc tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với sự tham dự của khoảng 50 nữ Chủ tịch Quốc hội trên thế giới. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã tham dự Hội nghị nhằm tiếp tục thể hiện chính sách tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới, đồng thời khẳng định chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta.
    Việc tham dự Hội nghị lần này đã ghi nhận một dấu mốc đặc biệt khi Quốc hội nước ta lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội Thế giới.
  7. Quốc hội Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động của AIPA và APA
    Ba nghị quyết Việt Nam đề xuất được thông qua tại Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA-37): Từ ngày 29-9 đến 3-10, Đại hội đồng AIPA-37 đã diễn ra tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar). Đây là Đại hội đồng đầu tiên của Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á được tiến hành sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập.
    Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực, đóng góp vào thành công của Hội đồng nghị viện châu Á lần thứ 9. Từ ngày 28-11 đến ngày 1-12 phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Hội đồng Nghị viện châu Á (APA-9) đã diễn ra tại TP. cổ Siem Reap của Campuchia.
  8. Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam
    Ngày 6-1-2016, BCH TƯ Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2016).
  9. Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
    Đồng hành cùng quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội, 70 năm qua (2-3-1946 - 2-3-2016), Văn phòng Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước và hoạt động của Quốc hội.
    Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Văn phòng Quốc hội.
  10. Quốc hội Việt Nam đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo Đảng, Nhà nước của nhiều nước trên thế giới
    2016 là năm được ghi nhận với sự thành công trong công tác đối ngoại của Quốc hội với nhiều hoạt động trao đổi đoàn các cấp. Trong đó, nhiều Đoàn đại biểu cấp cao do lãnh đạo Đảng, Nhà nước các nước dẫn đầu đã đến thăm, làm việc tại Quốc hội nước ta,
    Thành công trong công tác đối ngoại của Quốc hội đã góp phần tăng cường tình hữu nghị, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân nước ta với Đảng, Nhà nước, Nghị viện và nhân dân các nước. Qua đó góp phần giúp hình ảnh, vai trò, vị thế của Quốc hội nói riêng và nước ta nói chung không ngừng được khẳng định, nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế.
    PV (tổng hợp)