Sau hơn 2 tháng thực hiện, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ghi nhận: Quy định về thông tuyến nêu trên đã có những tác động tích cực đến người có thẻ BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh và quỹ BHYT. Cụ thể, đối với người có thẻ BHYT: đã thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được khám, chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được khám, chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Đối với cơ sở khám, chữa bệnh thì quy định thông tuyến sẽ giúp các cơ sở y tế có tinh thần thái độ phục vụ, chất lượng khám, chữa bệnh tốt thu hút được nhiều bệnh nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân mà không phụ thuộc nhiều vào số lượng thẻ BHYT đăng ký ban đầu. Cùng với đó, quy định thông tuyến buộc các cơ sở khám, chữa bệnh phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, với việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT, người dân sẽ thuận lợi hơn trong khám, chữa bệnh BHYT. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân.
Tuy nhiên, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT cũng có những tác động không như mong muốn, đòi hỏi yêu cầu quản lý ngày càng chặt chẽ hơn. Cụ thể là hiện nay, phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh chưa hoàn thiện nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh đi khám, chữa bệnh nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở y tế khác nhau dẫn đến khó quản lý tình trạng lạm dụng quỹ BHYT. Theo nhận định chung, số lượt khám, chữa bệnh tại tuyến huyện tới đây sẽ tăng mạnh. Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tính cả lương và phụ cấp, đây sẽ là tác động kép làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT cũng có ít nhiều ảnh hưởng tới y tế tuyến xã, phường. Bệnh nhân sẽ bỏ qua trạm y tế xã, phường để đến các bệnh viện tuyến huyện. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến huyện và sự “đìu hiu” của trạm y tế xã, phường. Mặt khác, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế như tăng cung quá mức dịch vụ y tế để tăng chi phí khám, chữa bệnh thu được và thu hút người bệnh có thể sẽ diễn ra.
Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Y tế đang nỗ lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế. Tới đây, cùng với việc đẩy mạnh mô hình bác sĩ gia đình, công tác chỉ đạo tuyến cũng sẽ được chú trọng nhằm tăng cường nhân lực cho trạm y tế. Như vậy, dịch vụ y tế tại các trạm y tế rồi sẽ đồng bộ hơn, ngoài việc đến khám chữa bệnh thông thường, người bệnh còn được quản lý sức khỏe, tạo sự gắn kết hơn với cán bộ y tế và ở lại với trạm y tế nhiều hơn.
Dương Sơn