Người dân làm thủ tục BHYT tại chi nhánh BHXH huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Ông Nguyễn Văn Lập (62 tuổi) ở thành phố Sơn La đã nghỉ mất sức hơn 20 năm, mắc các bệnh mãn tính gần 17 năm nay. Vì thế, mỗi năm ông phải vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La khám, điều trị từ 2 – 3 đợt, mỗi đợt chi phí hơn 20 triệu đồng. Đây là khoản tiền rất lớn, nhất là đối với người không còn khả năng lao động như ông. Nhưng nhờ có BHYT, chi phí đã không còn là mối lo đối với gia đình ông. Ông Lập bày tỏ: “Chúng tôi là những người dân ở vùng núi thì khó có khả năng chi trả cho những bệnh mạn tính nếu không có thẻ BHYT”.
Hay như trường hợp anh Quàng Văn Toản, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu bị xuất huyết tiêu hóa, phải truyền tới 10 túi máu; mà giá 450ml máu toàn phần là 790.000 đồng thì chắc chắn anh không thể đủ tiền viện phí để điều trị.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La, trong 5 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện giám định cho trên 434.000 lượt bệnh nhân với chi phí gần 323 tỷ đồng. Người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT được hưởng nhiều quyền lợi như được thanh toán chi phí khám bệnh, giường bệnh; dịch vụ kỹ thuật thông thường gồm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Ngoài ra, tùy từng đối tượng tham gia sẽ được chi trả từ 80% - 100% chi phí khám chữa bệnh trong chế độ BHYT. Đặc biệt, từ ngày 1-6-2016, tỉnh Sơn La đã áp dụng mở thông tuyến xã và tuyến huyện, tức là người bệnh có thể đi khám chữa bệnh ban đầu ở bất kỳ cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện nào trong tỉnh. Riêng đối tượng là người DTTS, người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ được mở thông tuyến khám chữa bệnh từ xã lên đến Trung ương.
Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La - Thiều Quang Ngãi cho biết: Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng nhanh và bền vững người tham gia BHYT, phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt tỷ lệ bao phủ là 95,5% dân số.
HỮU QUYẾT