Ông Thực bên những chiếc xe đạp sắp “xuất xưởng"
Tôi bất ngờ khi được gặp lại CCB Nguyễn Trung Thực, đại biểu của đoàn Hội CCB huyện Can Lộc dự đại hội CCB Hà Tĩnh lần thứ VII. Câu chuyện về Bác Thực như chuyện ông bụt thời nay, cứu giúp được rất nhiều hoàn cảnh học sinh nghèo khó...
Chẳng biết từ bao giờ, người dân ở thôn Sơn Thuỷ, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc ( Hà Tĩnh ) đặt cho ông Thực cái tên “ Thực gàn “, trong khi ông vẫn còn tỉnh táo, lao động cần cù. Theo bạn bè ông kể lại, cái tên “ Thực gàn “ ra đời khi người dân nhìn thấy ông Thực mỗi sáng sớm hay chiều muộn lại lúi húi bên những đống đồng nát, có khi cả ngoài bãi rác để tìm nhặt những chiếc khung xe đạp cũ, đưa về lắp ráp thành xe nguyên dạng. Ban đầu người ta tưởng ông đem bán, nhưng khi thấy ông mang đến trường tặng các cháu học sinh nghèo thì việc làm của ông Thực được rất nhiều người biết đến, nhất là các thầy cô giáo, các cháu học sinh và các bặc phụ huynh.
Ông “ Thực gàn “ tên đầy đủ là Trần Trung Thực, hội viên Cựu Chiến Binh, hội viên chất độc da cam xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1970, ông lên đường nhập ngũ, được biên chế vào đơn vị Hậu cần Quân khu 7. Từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn. Những năm tháng khốc liệt trên chiến trường đã để lại trong ông những hình ảnh của đồng đội trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Nhiều lần vào sinh ra tử, bom rơi, đạn lửa, những kỷ niệm một thời của những người lính hậu cần không thể nào quên được. Trên người ông đang mang vết thương chiến trận, nhưng khi ra quân mất hết giấy tờ nên ông chỉ được hưởng chế độ chất độc da cam. Năm 1975, ông vinh dự được đơn vị chọn về duyệt binh mừng chiến thắng tại Hà Nội, và cũng thời gian ấy, ông đem lòng yêu một người con gái là dân quân tự vệ quê ở Đồng Lộc cùng tập luyện trong khối duyệt binh của Quân khu 4. Cô dân quân tự vệ ấy sau này chính là vợ ông, bà Nguyễn Thị Chiến một nữ Cựu Chiến binh.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà chật chội, chứa đầy xe dạp cũ và đồ phụ tùng như săm, lốp, khung xe đạp,,, bà Chiến cười phân trần: Gia tài của ông Thực nhà tôi đó, người ta lo sắm xe máy, ô tô thì ông ấy lại đi nhặt đồ ở bãi rác, ban đầu họ không biết cứ cho là ông điên khùng, gàn dở, người ông còn nhiều vết thương, lại bị chất độc da cam; mỗi khi trái gió trở trời là ông nằm rên hừ hừ. Nhiều lần mẹ con khuyên bảo ông bỏ nghề chữa xe đạp, nhưng ông không nghe, hết cơn đau lại ngồi hì hục, rồi đạp xe đi khắp các bãi rác...
Ngắt lời bà Chiến, ông Thực cười và thuật lại: Tôi vốn là người làm nghề sửa xe đạp, ngày trước còn nghèo nên phương tiện xe đạp là chủ yếu, về sau này kinh tế phát triển họ sắm xe máy, xe đạp điện, ô tô nên nghề sửa xe đạp ngày càng vắng khách, chỉ có các cháu học sinh nghèo thì vẫn xem chiếc xe đạp là tài sản quý giá. Nhiều hôm trời mưa rét, có cháu hỏng xe không kịp đến trường, lại có cháu xe thủng cả săm, cả lốp khóc hu hu, nhưng chỉ đủ tiền vá săm, còn lốp thì quấn dây tạm, nhìn các cháu mà thương quá.
Day dứt và trăn trở, ông Thực bỏ nhiều công sức đi đến các tiệm thu mua phế liệu, đồng nát, tìm mua khung và phụ tùng xe đạp cũ. Nhiều chủ cửa hàng sau khi biết được việc ông làm nên họ lấy giá rẻ, có nơi còn cho thêm đồ phụ tùng như săm, lốp, nhông, xích... Về nhà, ông cặm cụi lắp ráp, tân trang thành những chiếc xe nguyên dạng. Từ một chiếc, rồi hai chiếc, khi đã lên đến hàng chục chiếc, ông đi tìm gặp ban khuyến học của xã để phối hợp tặng xe đạp cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Rồi ông đến trực tiếp các nhà trường tiểu học ở các xã Mỳ Lộc, Xuân Lộc, Sơn Lộc để phối hợp với ban giám hiệu nhà trường trao tặng xe. Mỗi năm ông phấn đấu lắp ráp được từ 10 – 15 chiếc, cho đến năm 2020 số xe đạp mà ông trực tiếp tặng cho các cháu học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đã lên đến gần 100 chiếc, mỗi chiếc xe trị giá từ 300-500 ngàn, một con số thật ấn tượng.
Ông Thực kể lại: Tôi làm việc này là hoàn toàn tự nguyện, gia đình tôi còn nhiều khó khăn, mới thoát nghèo cách đây mấy năm. Ngoài số tiền tôi tích cop được, còn phải dùng đến khoản trợ cấp chất độc da cam để mua thêm đồ phụ tùng. Trước đây tôi là người nghiện thuốc lá, hay bia rượu; nhưng từ khi bắt tay vào sửa xe đạp giúp các cháu tôi lại bổ được cả rượu, cả thuốc; tình ra số tiền đó mỗi tháng tiết kiệm được trên 800 ngàn, mỗi năm có thể sắm được vài chục chiếc xe đạp.
Việc làm của ông Thực giờ đây không chỉ trong xóm, trong xã mà cả huyện đến tỉnh đều biết. Cô giáo Bùi thị Kim Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Lộc xúc động khi nói về việc làm của ông Thực: Thầy, cô giáo và học sinh nhà trường rất khâm phục và trân trọng về việc làm của Bác Thực, một Cựu Chiến Binh trên người còn mang thương tích chiến tranh, gia đình còn nhiều khó khăn mà nặng lòng vì các cháu học sinh nghèo, Bác ấy thật xứng đáng là người lính Cụ Hồ.
Đại tá Phạm Tiến Thích, Chủ tịch Hội CCB huyện Can Lộc cho biết: Hàng năm cứ đến dịp khai giảng năm học mới là chúng tôi lại được đi cùng đồng chí Thực để trao xe đạp cho các cháu học sinh nghèo, nhiều gia đình phụ huynh rất cảm động khi nhận được chiếc xe đạp của Bác Thực trao tặng. Cán bộ hội viên Cựu Chiến Binh và hội nạn nhân chất độc da cam huyện Can Lộc rất tự hào về việc làm của Cựu Chiến Binh Trần Trung Thực, thể hiện phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, người lính Trường Sơn anh hùng, tô thắm hình ảnh người Cựu Chiến Binh gương mẫu trong giai đoạn hiện nay. Năm 2020, Bác Thực vinh dự được bầu là đại biểu chính thức của tỉnh Hà Tĩnh đi dự Đại hội thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ VI.
Chúng tôi đã phát động trong hội Cựu Chiến BInh và hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện học tập và noi gương về hội viên tiêu biểu Trần Trung Thực.
Lê Anh Thi