Người bị sốc ma túy thường rơi vào trạng thái lơ mơ, da tái xanh, vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, rối loạn nhịp tim, tâm thần hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh, cần được cấp cứu kịp thời.

Vì vậy, ngay khi phát hiện người có biểu hiện sốc ma túy, lập tức gọi sự trợ giúp từ những người xung quanh. Liên hệ ngay với cấp cứu 115 để gọi xe cấp cứu hoặc chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Trong khi chờ xe cấp cứu, nới lỏng quần áo của nạn nhân, lấy tất cả những vật có trong miệng, mũi của nạn nhân để khai thông đường thở. Đặt nạn nhân vào nơi thoáng mát và nằm ở tư thế hồi sức.

Quan sát xem nạn nhân còn thở không bằng cách nhìn lồng ngực và bụng người đó có di động lên xuống hay không, hoặc đặt tay lên bụng và ngực xem có di động không. Ngoài ra có thể ghé tai vào tim hay để một nhúm tóc nhỏ gần lỗ mũi xem tóc có lung lay hay không. Nếu không lay động có nghĩa người ấy đã không còn thở.

Bắt mạch cổ tay, mạch bẹn, mạch cảnh (ở cổ) để xem còn mạch hay không.

- Nếu người ngất nhưng còn thở, còn mạch, cần đặt nằm nghiêng, ngửa đầu ra phía sau, nâng nhẹ hàm trước, tránh chất nôn tràn vào đường thở. Nếu người đó nôn thì dùng ngón tay móc chất nôn ra làm thông đường thở.

- Nếu người ngất và ngừng thở nhưng còn mạch, lập tức tiến hành hô hấp nhân tạo. Cách làm: Bóp chặt hai lỗ mũi người ngất, hít sâu sau đó áp sát môi vào nhau, thổi cho lồng ngực phồng lên, sau đó bỏ ra để người đó tự thở ra, làm khoảng 10-12 lần/1 phút.

- Trường hợp nạn nhân ngưng thở, mất mạch, tiến hành làm hô hấp nhân tạo bóp tim ngoài lồng ngực. Đặt một tay lên giữa xương ức, tay kia đặt lên trên vuông góc với bàn tay trước, ấn xuống bằng lực của cơ thể, làm lồng ngực lõm xuống khoảng 5cm, làm như vậy 70-90 lần trong một phút. Những việc không nên làm đối với người bị sốc ma túy: Không tự ý tiêm bất kỳ thứ gì vào ven nạn nhân kể cả nước muối, sữa, hay chất ma túy khác. Không đổ nước lạnh hay tát mạnh vào người bị sốc.

Thùy Linh