Các bệnh nhân được điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Điên Biên.
Bác sĩ Cà Văn Nội - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên cho biết: Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng người mẩn đỏ và dị ứng, do bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt vào đầu. Trong đó có trường hợp em Lò Văn Hoàng, 15 tuổi, xã Noong Hẹt là nặng nhất, với tình trạng ngừng tuần hoàn máu, khó thở dẫn tới hôn mê và xuất huyết đường thở. Các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu đã tiến hành khai thông đường thở, tiêm thuốc nâng mạch, nâng huyết áp, sử dụng máy thở ô-xy để cấp cứu cho bệnh nhân. Sau 1 giờ điều trị, bệnh nhân Hoàng đã tỉnh lại.
Theo các chuyên gia y tế, có nhiều loại ong gây nhiễm độc cho người khi bị chúng đốt như: Ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật... Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công mạnh hơn.
Trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, cần nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng cách: Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra; rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm; bôi dung dịch sát trùng như povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần; uống nhiều nước để loại thải các độc tố; chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng. Sau đó cần theo dõi và đưa người bị ong đốt đến cơ sở y tế.
Cần phòng tránh ong đốt bằng cách: Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Không chọc phá tổ ong; không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động; không dùng nước hoa, dầu gội đầu có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong...
Thành An