Trong khi chờ sự trợ giúp từ nhân viên y tế, người nhà cần thực hiện một số việc như băng bó, cố định vị trí bị thương.
Khi bị gãy xương, người bệnh cần được cầm máu, cố định vị trí bị thương và tránh di chuyển trong khi chờ sự trợ giúp y tế.
Các nguyên nhân gây gãy xương: Gãy xương đa phần do chấn thương khi bị va chạm, ngã mạnh hoặc tai nạn giao thông, tai nạn lao động... Khi lớn tuổi, xương dần bị lão hóa, người cao tuổi do loãng xương dễ đối mặt với nguy cơ ngã, gãy xương cao. Ngoài ra, xương cũng dễ bị gãy ở các nhóm người lao động nặng thời gian dài; trẻ nhỏ; người có bệnh lý về xương; người chơi thể thao gây căng thẳng cho xương...
Cách xử trí khi bị gãy xương: Khi nạn nhân gặp tai nạn, nghi ngờ gãy xương, người nhà cần bình tĩnh xử trí đúng cách. Tránh di chuyển người bị thương (trừ khi cần thiết) vì di chuyển không đúng cách sẽ khiến chấn thương thêm nghiêm trọng.Trong khi chờ sự trợ giúp từ nhân viên y tế, người nhà thực hiện một số việc như:
- Cầm máu: băng bó vết thương bằng băng vô trùng, miếng vải sạch hay mảnh quần áo sạch.
- Cố định vị trí bị thương: Người nhà không nên cố gắng căn chỉnh lại xương hay đẩy xương bị gãy dính lại. Băng bó, ép chặt nhẹ vùng chấn thương bằng băng thun co giãn giúp hạn chế sưng. Chú ý cách quấn tròn chi hay quấn kiểu số 8 ở vùng khớp, lực quấn không quá chặt.
- Chườm đá: Chườm một túi nước đá lên vị trí bị thương để hạn chế sưng và hỗ trợ giảm đau. Lưu ý tránh chườm đá trực tiếp lên da, cần bọc trong khăn, mảnh vải hoặc một số vật dụng khác trước khi đặt lên da.
Bệnh nhân cần được cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu sau: Người bị thương không phản ứng, không thở hay không di chuyển; người bị thương xuất hiện tình trạng chảy máu nhiều; các chi hay khớp bị biến dạng; xương đã đâm xuyên qua da; điểm cực của cánh tay hay chân bị thương, ví dụ như ngón chân hay ngón tay bị tê hay hơi xanh ở đầu.
Biến chứng khi gãy xương: Nếu không nhận biết và xử trí gãy xương đúng cách, người bệnh sẽ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc do đau hay mất máu nhiều, tắc mạch máu do những hạt mỡ trong ống tủy xương di chuyển ra ngoài. Trong quá trình điều trị gãy xương, người bệnh phải nằm tại chỗ trong thời gian dài. Vì vậy, những vị trí trên cơ thể như vùng cùng cụt, gót chân... dễ bị loét; tình trạng viêm nhiễm như viêm tiết niệu, viêm phổi... cũng gia tăng, có thể gây tử vong ở người bệnh lớn tuổi do sức đề kháng yếu.
Phương pháp điều trị gãy xương: Tùy theo vị trí và mức độ gãy xương, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Với trường hợp nhẹ, xương có khả năng liền sau khi bó bột. Các ca gãy xương ở vị trí khó, nguy hiểm như xương đùi, xương sên, xương thuyền... sẽ khó lành vì bị thiếu máu nuôi xương. Khi đó, người bệnh cần được phẫu thuật kết hợp xương.
Gãy xương yêu cầu người bệnh cần nghiêm túc thực hiện quá trình điều trị theo đúng lộ trình. Nếu chủ quan trong vấn đề điều trị và phục hồi có khả năng dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, khiến khả năng vận động, lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh bị suy giảm.
Thành An