Nhiều người lợi dụng sự lo lắng của cộng đồng để đăng thông tin giả, tin thất thiệt, câu like, câu view trên mạng xã hội.

Sau những trận bão lũ kinh hoàng ở miền Trung vừa qua, mạng xã hội Facebook đưa nhiều nguồn tin khác nhau: Từ dự báo thời tiết, hình ảnh chiến sĩ tham gia cứu hộ, sạt lở đồi núi… và cả những hoạt động từ thiện. Phải công nhận, mạng xã hội Facebook là kênh thông tin mạnh, lan tỏa, cung cấp nhiều hình ảnh thương cảm, giúp lời kêu gọi vận động cứu trợ đồng bào miền Trung sốt sắng, qua đó nhiều nhóm có được quỹ cứu trợ đến tay bà con vùng rốn lũ.  Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính xác, bổ ích, còn rất nhiều tin giả về bão lũ, gây hoang mang dư luận.

Cụ thể, nhiều trang Facebook cá nhân đã mượn những video, hình ảnh về bão lũ Trung Quốc vừa qua, để minh họa cho bài viết của mình về bão lũ miền Trung. Từ một trang gốc, nhiều thành viên đã share với tốc độ đến chóng mặt. Chẳng hạn như hình người mẹ ôm con trong lớp bùn đất trong vụ sạt lở ở tỉnh Quảng Trị gây lòng trắc ẩn cư dân mạng. Thực tế là tin giả, hình ảnh trên bắt nguồn từ một câu chuyện ở Trung Quốc. Một trận động đất mạnh 6,1 độ richter đã xảy ra vào ngày 30-8-2008 tại Lương Sơn, Tứ Xuyên khiến 41 người chết, 589 người bị thương, 10.000 ngôi nhà bị sập và hơn 190.000 ngôi nhà bị hư hại.

Thêm nữa, clip trâu, bò, heo bị cuốn trôi thật ra là đợt lũ tại Tứ Xuyên, An Huy, Trùng Khánh  thuộc Trung Quốc vừa qua. Trong clip có tiếng Hoa rõ ràng và hình ảnh là một số địa danh ở Trung Quốc, nhưng người đăng bài vẫn cho rằng miền Trung. Hình bộ đội nằm sấp trên thành cầu cho trẻ em miền Trung bước qua, nếu nhìn kỹ đây là đồng phục bộ binh Trung Quốc đang tập trận....

Bên cạnh đó, nhiều trang đã lợi dụng  bão lũ miền Trung để trục lợi. Họ đã mượn hình ảnh và uy tín về sự quyên góp tiền của ca sĩ Thủy Tiên, lôi kéo mọi người vào like, share (quy đổi thành tiền để quyên góp). Và chỉ sau hai ngày kêu gọi, từ sự thiếu tìm hiểu của một số người, một trang fan page vô danh đã có hàng trăm nghìn người theo dõi. Hay đối tượng Bùi Xuân Huấn đã cắt clip từ chương trình Chuyển động 24h của VTV trao quà từ thiện cứu trợ tại các tỉnh miền Trung, thay hình ảnh của mình vào đó rồi đăng lên fanpage Huấn “Hoa Hồng” để đánh bóng tên tuổi. Đáng lên án hơn nữa, một số trang cá nhân lập trang giả, mạo danh công tác tại các cơ quan đoàn thể Nhà nước vào công kích, chống phá những người cứu trợ miền Trung, nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây hoang mang dư luận... Đã có nhiều bạn hiếu kỳ dẫn vào đường link một trang web lạ với nội dung việc cán bộ xã thu tiền dân sau khi người cứu trợ rời đi. Thật ra đây là một thông tin cũ từ năm 2016.

Vì vậy, mọi cư dân trên mạng, cần hết sức tỉnh táo khi tham gia Facebook. Không phải thông tin nào mình cũng tin tưởng. Cần phải kiểm chứng nhiều nguồn trước khi tin, share, truyền khẩu... Tốt nhất nên theo dõi các tin từ cơ quan báo chí chính thống và các trang tin điện tử của các cơ quan đoàn thể Nhà nước. Về phía cơ quan chủ quan, cần có biện pháp xử lý, chế tài nghiêm khắc những cá nhân, hội nhóm mượn sự kiện đau thương này để trục lợi.

Nguyễn Thanh Vũ