Rượu, bia và virus...
Theo Bác sĩ Nguyễn Công Kiêm - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện An Bình (Tp. Hồ Chí Minh) thì có nhiều nguyên nhân gây bệnh xơ gan. Trong đó, cần chú ý các nguyên nhân sau:
Rượu, bia: Rượu, bia là loại có độ cồn rất cao và có nhiều chất độc khác, uống rượu càng nhiều và thời gian càng kéo dài thì rất dễ dẫn đến xơ gan.
Do ứ mật: Mật bị ứ đọng do viêm, tắc đường mật cả đường mật trong và ngoài gan. Mật sẽ tác động làm ảnh hưởng, tổn thương tế bào gan dần dần dẫn đến xơ gan.
Do viêm gan virus: Đặc biệt là do virus viêm gan B, C, D. Trong số những người viêm gan virus có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
Do ký sinh trùng: Đối với ký sinh trùng có 3 loại hay gặp làm tổn thương tế bào gan và đưa đến xơ gan, đó là lỵ amip, ký sinh trùng sốt rét và sán lá gan.
Do ứ đọng máu kéo dài: Như suy tim, viêm tắc tĩnh mạch trên gan. Ngoài ra, những người có phản ứng bất thường với vài loại thuốc, tiếp xúc lâu ngày với chất độc cũng có nguy cơ bị xơ gan. Một số bất thường di truyền do sự tích tụ chất độc trong gan dẫn đến phá huỷ mô và gây xơ gan.
Triệu chứng và biện pháp phòng ngừa
Bác sĩ Nguyễn Công Kiêm cho biết: Bệnh xơ gan thường phát triển qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn bắt đầu: Chức năng gan còn bù trừ, triệu chứng lâm sàng thường không rõ hoặc rất nhẹ, chủ yếu triệu chứng rối loạn tiêu hóa như ăn không biết ngon, tiêu lỏng, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau nhẹ, hơi tức vùng bụng trên bên phải hoặc đầy bụng, nôn hoặc buồn nôn. Khám gan hơi to (có thể không to), có bệnh nhân lách to. Chức năng gan bình thường hoặc hơi suy giảm, có thể khám kỹ phát hiện điểm ứ huyết.
Giai đoạn toàn phát: Chức năng gan suy giảm rõ. Lâm sàng biểu hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa tăng, mạn sườn bên phải đau rõ, sụt cân, da xạm, có bệnh nhân vàng da, vàng mắt, điểm ứ huyết, mạch sao ở mặt, ngực, tay, vai, cổ.. . hoặc có hiện tượng giãn mao mạch, bàn tay, đầu ngón tay đỏ mập lên, chân răng, mũi, trĩ, xuất huyết; phụ nữ kinh nguyệt nhiều, kéo dài, hoặc có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, tim hồi hộp, ít ngủ, chân tay tê dại, ngứa, tiểu ít, hoặc tiểu khó, cổ chân phù, bụng có nước nhẹ. Khám gan thấy có thể eo nhỏ hoặc to dưới bờ sườn, bờ sắc cứng.
Giai đoạn cuối: Triệu chứng tăng áp lực tĩnh mạch rõ. Cổ trướng, da bụng bóng, tuần hoàn bàng hệ, tiểu rất ít hoặc vô niệu, khó thở, người gầy, sắc mặt xạm tối, da mặt vàng đậm, bệnh nặng có xuất huyết tiêu hóa, tinh thần lờ đờ, buồn ngủ hoặc hưng phấn, hốt hoảng, hôn mê gan...
Để hạn chế sự phát triển của bệnh cần thực hiện tốt biện pháp vệ sinh phòng chống lây nhiễm virut viêm gan B, C, D. Tiêm phòng virut viêm gan B, C, D. Không uống rượu, bia. Có chế độ ăn uống đủ và đảm bảo chất dinh dưỡng. Cần thận trọng khi dùng các thuốc gây hại cho gan. Không nên quá lo lắng và căng thẳng vì việc tuân thủ điều trị tốt sẽ giúp bệnh ngừng tiến triển và hạn chế biến chứng. Tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh nhằm đẩy lùi bệnh.
Minh Vũ