Trên mạng xã hội và một số tờ báo gần đây lại dùng cụm từ quen thuộc: “xe điên” để ám chỉ những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng vừa xảy ra.

Theo điều tra ban đầu thì  hầu hết những vụ tai nạn đó là do lái xe dương tính với ma túy. Nói cụ thể hơn là lái xe nghiện ma túy dẫn đến không làm chủ được tay lái gây tai nạn.

Ngay trong Phóng sự điều tra kỳ công, với tiêu đề “Những chuyến xe cuồng nộ” của Báo CCB Việt Nam, đăng trên trang 1, từ số 1264, ra ngày 24-1-2019 cũng chỉ ra “hai năm rõ mười” lái xe đường dài ở Nghệ An mở “bàn đèn” hút thuốc phiện ngay trên xe, để (lời lái xe) “có sức” cầm tay lái đi hành trình dài hàng nghìn ki-lô-mét (!)

Như thế là “người điên” chứ có phải “xe điên” đâu? Tất cả những người đầu óc “không có vấn đề” đều đủ kiến thức sơ đẳng hiểu rằng, người nghiện thuốc phiện không làm chủ được hành vi của bản thân, nhất là lúc lên cơn nghiện, nếu không được đáp ứng thậm chí còn giết cả bố mẹ. Chính vì thế y học phải chế ra loại thuốc cho “con nghiện” uống hằng ngày để ức chế hành vi không kiểm soát được của họ, chứ đó không phải là thuốc cai nghiện, như lâu nay chúng ta vẫn nhầm tưởng.

Nhân đây phải khẳng định lại, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức công bố: Nghiện thuốc phiện là bệnh mãn tính (không chữa được) - Trong thực tế hiếm hoi cũng có người nghiện ma túy chữa khỏi, đó là nhờ vào cơ địa (thuật ngữ y học) của họ.

Đã nghiện ma túy lại còn dại dột làm nghề lái xe. Như thế có phải là điên không? - Điên quá rồi, chứ còn gì?

Nhưng chuyện này không chỉ lái xe điên mà còn nhiều người điên nữa, như: Người khám sức khỏe cho người vào nghề lái xe; chủ xe; cơ quan thanh tra, kiểm tra… “làm luật” cho “con nghiện” lái xe. Những loại người này “điên” do đạo đức rất kém, kém đến mức “ham tiền của hối lộ phát điên lên” mà không còn làm chủ được nhân cách của mình nữa.

Cơ quan quản lý những loại người điên này nếu không sớm phát hiện, kiên quyết loại bỏ họ ra khỏi tổ chức thì cũng dễ dẫn đến bị lây điên lắm!

Huy Thiêm