Công cuộc phòng thủ của Việt Nam dựa vào tính ổn định và vững chắc của thế trận quốc phòng toàn dân. Một trong những yếu tố cấu thành thế trận quốc phòng toàn dân là khu vực phòng thủ địa phương. Tế bào dân cư trong khu vực phòng thủ là làng.

Nam Bộ ngày nay vốn là một vùng đất màu mỡ trù phú giàu tiềm năng, kết quả của một quá trình khai phá lập làng của các thế hệ tiền nhân trải qua nhiều thế kỷ. Do đặc điểm về địa lý và lịch sử, khác với vùng đồng bằng và đô thị, trên dọc miền biên giới tây nam của Tổ quốc, cư dân sống còn thưa thớt, rải rác, có khu vực chưa có người định cư. Vấn đề chuyển cư, lấp kín cư dân trên dọc miền biên giới tây nam nhằm tạo ra một lực lượng bảo vệ biên giới tại chỗ và phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, do đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Từ sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Ðảng và Nhà nước ta đã có chính sách tăng cường nhân lực cho các vùng biên giới thông qua cuộc vận động đưa đồng bào ở vùng đồng bằng và đô thị lên phát triển kinh tế-văn hóa miền biên giới. Ðặc biệt từ năm 1990, với chương trình phân bố lại dân cư và lao động cả nước của Chính phủ, cộng với sự tăng trưởng dân số tự nhiên và chuyển cư tự do của hàng nghìn hộ nông dân từ các tỉnh phía bắc, các tỉnh biên giới tây nam đã được bổ sung dân cư với số lượng đáng kể. Các quân khu thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu xây dựng đề án và tổ chức nhiều cụm dân cư biên giới. Hàng loạt chương trình phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với quốc phòng-an ninh được triển khai thực hiện, trong đó chương trình 135, rồi đề án 160 về phát triển kinh tế-xã hội các xã biên giới đã thu gặt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn tổng quan, chúng ta chưa có một hệ thống cụm dân cư, làng xã khỏa đầy miền biên giới. Ðời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng xâm canh, xâm cư, tuồn hàng lậu, buôn bán phụ nữ trẻ em, cờ bạc, tội phạm vẫn hằng ngày diễn ra.

Ðể có đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển, trước hết cần có một hệ thống cụm dân cư - làng biên giới vững mạnh về mọi mặt. Ðể có các cụm dân cư, làng ken dày miền biên giới, cần có một hệ thống chính sách xây dựng, quy hoạch bố trí dân cư tuyến biên giới và tổ chức di chuyển lao động, ổn định và phát triển dân cư biên giới mạnh mẽ, khả thi. Trước hết, di chuyển lao động và ổn định dân cư biên giới không thể xem là một việc làm đơn lẻ, cục bộ, thuộc trách nhiệm của một đơn vị chuyên trách nào đó mà là nhiệm vụ của cả hệ thống, có sự kết hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các ban, ngành có liên quan như nông nghiệp, công thương, lao động, tài chính, ngân hàng, quốc phòng, an ninh...

Ðể di chuyển lao động và ổn định cư dân biên giới có hiệu quả, cần có một hệ thống giải pháp thực hiện đúng đắn và công tác bảo đảm, tạo điều kiện khả thi. Ðó là công tác nghiên cứu địa bàn, quy hoạch khu định cư, khu phát triển kinh tế tùy theo đặc điểm thế mạnh từng vùng, xây dựng hạ tầng đường - trường - trạm - điện, bao cấp ứng vốn dạy nghề... sao cho công dân ở vùng đất mới có điều kiện làm ăn sinh sống ngay từ ngày đầu định cư. Cần có sự đầu tư ưu tiên về tuyển chọn lao động và phát triển nguồn nhân lực cho vùng đất mới hướng đến mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh khu vực, đồng thời khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế-xã hội miền biên giới.

Ðể có các cụm dân cư biên giới, các làng dọc biên giới tây nam ổn định và ngày càng hưng thịnh, cần đầu tư xây dựng làng vững mạnh về chính trị, phát triển về kinh tế-xã hội, ổn định về quốc phòng-an ninh, hòa bình thân thiện với cư dân bên kia biên giới. Ðó là không ngừng xây dựng Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Ðảng và của cán bộ đảng viên; kiện toàn bộ máy chính trị ở cơ sở về mọi mặt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở các địa phương biên giới; đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, thực thi các thể chế dân chủ, tăng cường thế trận lòng dân, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong cộng đồng cư dân biên giới. Xây dựng vùng biên giới có kết cấu hạ tầng nông thôn mới, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, nâng cao hiệu quả thương mại, dịch vụ biên mậu, giao đất giao rừng, đìa ruộng, cấp vốn, kỹ thuật và công nghệ, đào tạo kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, giao dịch, làm giàu chính đáng. Ðầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, đường, điện, thông tin, viễn thông, phát triển giáo dục, y tế, giữ gìn di sản truyền thống, thực hiện chính sách xã hội, chính sách đối với người có công, xóa đói, giảm nghèo. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, làm tốt công tác quân sự, quốc phòng; xây dựng cơ quan quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự địa phương, lực lượng dân quân tự vệ; xây dựng đồn trạm biên phòng, chốt dân quân thành các điểm tựa vững chắc trong cụm điểm tựa của khu vực phòng thủ; thường xuyên tổ chức huấn luyện và diễn tập, sẵn sàng ứng phó thắng lợi trước mọi tình huống, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội địa bàn.

Biên giới quốc gia là phên dậu của Tổ quốc. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền bất khả xâm phạm biên giới quốc gia là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân. Ở đó, lực lượng giữ vai trò quan trọng nhất là nhân dân tại chỗ, những công dân Việt Nam được bố trí an cư lạc nghiệp trên các làng dọc biên giới. Chúng ta đang trên đường xây dựng đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Nhưng, cần phải nhớ cái "căn cốt" nhất của làng, đó là những giá trị phi vật thể luôn "sâu rễ bền gốc" trong mỗi con người ở tại làng và vốn từ làng ra đi. Mỗi cư dân lớn lên, coi làng không chỉ là một bộ phận lãnh thổ của Tổ quốc, mà còn là nơi chôn nhau cắt rốn, là quê cha đất tổ, cần phải xây dựng phát triển về mọi mặt và bảo vệ đến cùng.

Trung tướng TRN ÐƠNy viên T.Ư Ðng, Tư* lnh Quân khu *7

Theo NDĐT

(TH)