Bia chứng tích Căn cứ lõm Bàu Bính, xã Bình Dương.

Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam là xã ba lần được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng; trong đó hai lần trong kháng chiến đánh giặc ngoại xâm được phong tặng Anh hùng LLVTND và một lần trong xây dựng hòa bình được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đây là một tượng đài biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Xã có căn cứ lõm Bàu Bính và hai cội Dương Thần như một minh chứng về tinh thần đấu tranh bất khuất và sự bền bỉ, dẻo dai bất tử của mảnh đất, con người nơi đây. Dường như chạm vào bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất cát đỏ dệt bằng máu xương, mồ hôi nước mắt này đều có chiến công, di tích lịch sử truyền thống cách mạng.

Tôi đã đi điền dã nghiên cứu và thực tế nhiều lần ở nơi đây cùng những nhân chứng lịch sử, đã sáng tác trường ca “Có một Bình Dương” trong đại dịch Covid-19. Nay, những người con trên quê hương sông Trường lịch sử này, mà cụ thể là kỹ sư Phan Đức Nhạn - nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XI, một nhân chứng lịch sử trong “Nhật ký chiến tranh” của nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong - Anh hùng LLVTND, đã tâm huyết xây dựng dự án “Vườn mẹ” tại xã Bình Dương, được Chủ tịch nước, các tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp, lãnh đạo Hội Kiến trúc sư… cố vấn, tham mưu, đánh giá rất cao và ủng hộ chủ trương.  Dự án có nhiều hạng mục phát huy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có công viên nghĩa trang vinh danh 350 Bà mẹ VNAH; lập bia tưởng niệm hơn 1.360 liệt sĩ. Tái hiện trên thực địa địa đạo, hào giao thông, bờ làng chiến đấu, điểm chốt tiền tiêu, hầm trú ẩn, công sự, trạm phẫu thuật… nhằm lưu danh thành quả cách mạng, kể cả những cống hiến hi sinh rất khốc liệt của một vùng đất bên sông Trường huyền thoại.

Là  người làm báo, làm văn, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tôi thấy “Vườn mẹ” là ý tưởng mới, thể hiện tấm lòng hiếu kính, tri ân những người đã phụng hiến, xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là các Bà mẹ VNAH. “Vườn mẹ” trong dự án, theo tôi là một bảo tàng trên cát; ngoài tượng đài, bia ghi danh, mộ phần, còn là nơi lưu giữ, trưng bày những hình ảnh, hiện vật, thước phim tư liệu, sách báo, kỷ vật kháng chiến của các Bà mẹ VNAH, không chỉ Bình Dương, Thăng Bình xứ Quảng mà còn cho cả nước.

Thế giới kỷ vật, hiện vật của các Bà mẹ VNAH thật là đa dạng, phong phú và thiêng liêng. Có thể là lá cờ Đảng, hoặc tài liệu của Đảng cất giấu trong thùng đạn đại liên; có thể là tấm hình của người chồng đi tập kết, người con là bộ đội, có thể là chiếc dao xếp ăn trầu luôn phòng thủ trong túi áo để phòng ngừa bọn giặc hãm hiếp; có thể là ngọn đèn hạt đỗ đêm đêm tắt mở báo hiệu an toàn, hoặc bất an cho các chiến sĩ cách mạng; có thể là những lá thư của chồng con đánh giặc ở chiến trường gửi về… Bảo tàng trên cát này có thể lưu giữ, trưng bày những đôi dép cao su, tái hiện những căn hầm bí mật, những chiếc thúng mủng hai đáy giấu tài liệu hoặc lựu đạn, chất nổ đánh địch.

Nơi này phải có những hình ảnh sống động về cội Dương Thàn, về Địa Mội (nơi nước nhĩ giọt thành ao lớn, có hầm bí mật đào khoét giấu trong mạch nước ngầm) về những cây gai lưỡi long, về cây cỏ diệc, về ngọn khoai lang trườn trên nỗng cát... thể hiện sức sống bền bỉ của dân trụ bám kháng chiến Bình Dương.

Nơi này còn tái hiện, lưu giữ hình ảnh hiện vật một thời không quên của bộ đội các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 72, 70 Tỉnh đội, Huyện đội, Xã đội, kể cả con em đồng bào miền Bắc vào chiến đấu sát cánh với miền Nam, Quảng Nam ruột thịt. Nhà văn Ra-xun Găm-da-tốp (Liên Xô trước đây) rất có lý khi nói: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ trả lời anh bằng đại bác.

Dự án “Vườn mẹ” ở Bình Dương của Bình Dương và không chỉ cho Bình Dương đang trân trọng, đánh thức và tái hiện quá khứ không chỉ để tri ân mà còn nhắc nhở chúng ta nhớ biết rằng, quá khứ, hiện tại, tương lai là một dòng chảy không thể tách rời. Biết ơn các Bà mẹ VNAH, chúng ta những con cháu, chắt chít... của mẹ, tiếp tục sống tiếp, sống tốt, cống hiến không mệt mỏi cho quê hương, đất nước, những khát vọng chống chiến tranh phi nghĩa, mong mỏi hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

        Là CCB, văn nghệ sĩ, tôi mong các cấp các ngành hữu quan hãy thật sự chăm lo thiết thực và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án “Vườn mẹ” sớm trở thành hiện thực:

Chết vì Tổ quốc thiêng liêng/ Hồn thành ngọn gió bay lên cõi trời.

Mẹ anh hùng của con ơi/ Công ơn của Mẹ non khơi điệp trùng.

Mẹ anh hùng đất anh hùng/ Bình Dương bất tử kiên trung sáng ngời.

Lê Anh Dũng