Kết thúc năm 2014, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức 6,2 triệu tấn, thấp hơn con số 6,5 triệu tấn dự kiến, thấp hơn mức 6,74 triệu tấn năm 2013, riêng tháng 12-2014 gạo xuất khẩu của nước ta giảm 27,7%. Theo dự kiến, năm 2015 này vẫn là năm rất căng thẳng của xuất khẩu gạo nước ta bởi sự cạnh tranh khốc liệt của các nước xuất khẩu gạo, đặc biệt là Thái Lan- nước đang trên đường tìm lại vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo với dự kiến xuất khẩu 11 triệu tấn gạo trong năm nay với giá cạnh tranh và nguồn cung dồi dào. Hầu như trong cả năm 2014, giá gạo Thái Lan xuất khẩu luôn rẻ hơn giá gạo nước ta. Bên cạnh đó là Ấn Độ, nước có nguồn cung và giá gạo xuất khẩu cũng rất lớn. Năm 2014, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam đạt mức 439 USD/tấn (giá FOB), tăng 2% so với năm 2013. Dự báo cho năm 2015, Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) ước tính, sản lượng gạo toàn cầu 2014-2015 giảm xuống 495,6 triệu tấn so với 497,5 triệu tấn năm trước do sản lượng gạo tại các nước sản xuất gạo chủ chốt như Thái Lan, Ấn Độ và Ghi-nê giảm; ngoài ra, lượng gạo tiêu thụ toàn cầu năm 2015 sẽ tăng 2%, đạt 499,6 triệu tấn; thương mại gạo toàn cầu sẽ đạt khoảng 40,5 triệu tấn. Bộ Công thương nhận định, triển vọng xuất khẩu gạo năm 2015 sẽ cạnh tranh khốc liệt. Không chỉ gạo trắng, xuất khẩu gạo thơm của nước ta cũng bị cạnh tranh.
Những năm gần đây, nhờ ưu thế giá rẻ hơn nên gạo thơm nước ta đã chiếm được nhiều thị trường quan trọng nhưng gần đây, Thái Lan đang đẩy mạnh sản xuất giống lúa thơm tương tự như của Việt Nam. FAO ước tính, xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2015 này sẽ tăng lên 11 triệu tấn, đứng vị trí thứ 1 thế giới; đứng thứ hai là Ấn Độ với mức xuất khẩu dự kiến là 8,2 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu gạo ngày càng cạnh tranh quyết liệt; ngoài những nước xuất khẩu truyền thống nay đã xuất hiện một số nhà cung cấp mới có nhiều tiềm năng như Cam-pu-chia, My-an-ma, Pa-ki-xtan; do đó, việc nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết, hướng những chương trình hỗ trợ trực tiếp đến người nông dân trực tiếp sản xuất ra lúa gạo chứ không phải qua các khâu trung gian như thời gian qua; để giúp người nông dân tăng năng suất lúa và lượng gạo dự trữ cho đến thời điểm thích hợp mới bán ra chứ không phải bán lúa tươi với bất cứ giá nào. Bên cạnh đó cần xây dựng bằng được thương hiệu gạo Việt Nam để không bị phụ thuộc vào lợi thế duy nhất là giá rẻ, nếu gạo Việt Nam được bán với giá rẻ mà chất lượng không đảm bảo thì rất khó giữ được thị trường. Công tác mở rộng thị trường cũng rất cần được quan tâm khi các đối thủ cạnh tranh của chúng ta cũng đang rất tích cực trong việc này. Đi bằng hai chân, cả phát triển sản xuất lúa gạo, tăng cao nguồn cung và phát triển thị trường là hai hướng chủ đạo để tăng cường chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gạo thế giới, phát triển kinh tế đất nước.
Một điều rất đáng chú ý là, trong khi chúng ta tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu gạo thì lại “quên” thị trường trong nước với gần 100 triệu dân khi lượng gạo mà chúng ta nhập khẩu cả từ chính ngạch lẫn tiểu ngạch từ Thái Lan và Cam-pu-chia không phải là nhỏ, cho thấy cơ cấu sản xuất lúa gạo của chúng ta còn chưa hợp lý, thiếu loại này, thừa loại kia. Để thực sự làm tốt công tác xuất khẩu gạo, phát triển kinh tế đất nước trong năm 2015 này, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, ngành chức năng thì không thể thiếu sự đồng lòng, chung sức của bà con nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc để xuất khẩu để cùng vững vàng vượt qua mọi thử thách trong năm 2015 này.
Phương Nam