Một chuồng bò trong đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội cho người Ơ Đu ở Nghệ An.

Xây chuồng trại cho bò mà giá thành sánh ngang với giá xây biệt thự hạng sang cho người ở, chuyện thật như đùa này xảy ra ở Nghệ An.

Chuyện là, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu" của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Đề án được chia làm hai giai đoạn gồm: giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí 61,6 tỉ đồng, giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững; tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.

Tháng 7-2019, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định về việc phân khai nguồn kinh phí thực hiện đề án này. Trong đó, có hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Theo đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3, tổng giá xây dựng hơn 7,24 tỉ đồng. Có 10 chuồng loại 2 với kinh phí lên tới hơn 2,36 tỷ đồng, tức là một chuồng bò được đầu tư kinh phí xây dựng là 236 triệu đồng. Chuồng loại 2 này (236 triệu đồng/chuồng) theo thiết kế xây dựng, mỗi chuồng nuôi có kích thước 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m.

Có người đã nhẩm tính, tại thị trường Hà Nội, giá thành xây dựng một căn nhà 4 tầng hoàn chỉnh gồm cả nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp núc, hệ thống điện nước, cửa kính, nền lát gạch hoa… giá thành cũng chỉ khoảng trên 5 triệu đồng/m2 chìa khóa trao tay. Như vậy, với số tiền 236 triệu đồng, sẽ xây được căn nhà 47m2, gồm hệ thống công trình phụ và 2 phòng ngủ, đủ cho 4 người sinh sống. Một căn hộ như vậy là niềm mơ ước của hàng triệu gia đình lao động nghèo ở nước ta hiện nay.

Thế mà, số tiền ấy được xây “biệt thự” cho bò ở!

So sánh thì khập khiễng, nhưng là người đã theo dõi, viết bài rất nhiều chương trình hỗ trợ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, tôi phải nói thật là nhiều hộ đồng bào chỉ mơ ước nhận được suất hỗ trợ xây nhà “Đại đoàn kết” với mức 100 triệu đồng. Số tiền ấy, cùng sự giúp công, giúp sức của cộng đồng làng bản, rất nhiều gia đình đã xây được nhà ở kiên cố, vững chắc.

Ở đây chưa nói đến chuyện có tiêu cực hay không, mà trước hết phải lên án việc thiết kế những dự án kiểu “thừa giấy vẽ voi”. Đảng, Nhà nước ta đang chắt chiu, tiết kiệm từng đồng ngân sách để hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa thoát nghèo nhằm thực hiện “không có ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển”, từng bước “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”, nhưng với kiểu đầu tư “vung tay đốt... nhà táng” như ở Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thì những đồng tiền thuế của nhân dân cả nước sẽ không có hiệu quả.

Nhân dân cả nước biết được sẽ rất buồn. Đồng bào Ơ Đu ở Nghệ An - những người thụ hưởng chính sách hỗ trợ này chắc chắn cũng không vui.

Rõ ràng, chính sách “trao cần câu” cho đồng bào kiểu này không thiết thực. Đồng bào “nghèo vẫn hoàn nghèo” còn cán bộ các dự án thoát nghèo sẽ giàu lên theo những con đường không giải thích được.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã nhiều lần phát biểu rằng: Để giảm nghèo bền vững, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu: Một là, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; hai là, phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc miền núi; ba là, tạo sinh kế cho đồng bào; bốn là, giải quyết ổn định vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường; năm là, tăng cường tuyên truyền vận động để bà con tự hào về nguồn cội, tự tin vào bản thân, tự lực vươn lên, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; sáu là, nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bào dân tộc thiểu số.

Như vậy, tạo sinh kế cho đồng bào (như chương trình hỗ trợ giống và chuồng trại nuôi bò ở Nghệ An) vẫn là giải pháp quan trọng, nhưng từ đây có thể đề xuất một giải pháp rất quan trọng so với 6 giải pháp nêu trên: Chống tham nhũng, lãng phí.

Cả 6 giải pháp nêu trên sẽ không thiết thực, hiệu quả, thậm chí có hại nếu không gắn liền với chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, đối tượng thụ hưởng chính sách là đồng bào các dân tộc thiểu số thì trình độ học vấn còn thấp, rất ít nơi có khả năng giám sát, phát hiện các biểu hiện tiêu cực.

Được biết, ngày 21-7-2020, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Kim Văn Bốn (cán bộ Phòng Chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội tham ô tài sản trong quá trình thực hiện đề án nêu trên. Mong rằng, các cơ quan chức năng, khi phê duyệt các dự án hỗ trợ đồng bào nghèo, cần đặc biệt chú ý đến việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chỉ như thế thì các “biệt thự” cho bò ở mới không tái diễn.

Thanh Hà