Buồn vì ngay trước kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai). Việc một đại biểu bị bãi nhiệm hay cho thôi nhiệm vụ là đáng buồn, trước hết là cử tri đơn vị bầu cử mất đi một người đại diện quyền lợi của mình, Quốc hội khuyết thiếu một đại diện quyền lực của nhân dân.
Buồn hơn chút nữa là cử tri thấy việc cho thôi nhiệm vụ đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh xem ra có phần nhẹ, bởi trước đó bà Thanh đã bị kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng, nên chăng đưa trường hợp của bà ra trước Quốc hội bãi nhiệm thì tính răn đe, cảnh tỉnh... sẽ hiệu quả hơn! Buồn đấy, nhưng mà vui. Vì những đại biểu vốn là những “quan chức” đầy quyền lực như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Thị Mỹ Thanh, Nguyễn Quốc Khánh... bị xử lý chứng tỏ công cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng và nhân dân ta đang thu được thắng lợi, đang thể hiện rõ là “không có vùng cấm”.
Vui đấy nhưng vẫn buồn. Vì rằng, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị T.Ư 7 (Khóa XII), dù rằng công cuộc phòng, chống tiêu cực tham nhũng đã tạo thành phong trào chứ không còn lẻ tẻ từng vụ, nhưng về tổng thể thì vẫn còn hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên vội vã, dưới thư thả”. Mà quả thực, “trên nóng, dưới lạnh” là hiện tượng khá phổ biến, chứ không phải hiện tượng đơn lẻ. Hiện tượng “cả họ làm quan” ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết. Hiện tượng “biệt phủ” hoành tráng mang tên những cán bộ, đảng viên thu nhập vào hàng “lèo tèo” vẫn rất khó giải thích với nhân dân. Hiện tượng “mất bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm” rất phi lý diễn ra ngay thành phố đầu tàu kinh tế cả nước nhưng địa phương định “giấu” Chính phủ và Quốc hội...
Với những nỗi buồn nói trên, ngay cả Tổng thư ký Quốc hội cũng phải thừa nhận, cần rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác nhân sự trong bầu cử Quốc hội. Cơ quan bầu cử phải rút kinh nghiệm sâu sắc đã đành, với mỗi cử tri càng phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Bởi ngẫm kỹ thì thấy không ít cử tri đã vội vàng, thiếu nghiên cứu khi lựa chọn nên mới lọt vào Quốc hội những đại biểu mắc nhiều sai phạm như thế. Bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Trịnh Xuân Thanh không phải là không có tỳ vết nhưng cử tri đã để những đại biểu “sâu mọt” ấy qua mặt, dối trá một cách dễ dàng.
Ông Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Chủ tịch Quốc hội khi đương chức đã nói: Dân bầu ra Quốc hội nên nếu Quốc hội sai thì... dân chịu. Có người phê phán ông Nguyễn Sinh Hùng, những ngẫm lại thì thấy điều ông nói rất có lý, đặc biệt là nhìn từ góc độ trách nhiệm của cử tri khi đi bầu chọn người đại diện cho mình.
Buồn nhiều như vậy nhưng nhìn rộng ra vẫn thấy nhiều điểm sáng, đáng vui mừng trước kỳ họp Quốc hội lần này. Trước hết là tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục cho thấy những tín hiệu vui. Quốc hội dự kiến có tới 15 phiên họp (chiếm 40% thời lượng kỳ họp) truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có nhiều hành động, việc làm quyết liệt, thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính - kiến tạo - hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Niềm tin của cử tri vào tương lai tươi sáng của đất nước, vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng tiếp tục được nhen lên...
Buồn vui trước một kỳ họp Quốc hội là lẽ thường tình. Thật tâm mà nói, nghe đến những vụ đại án, những quan tham, những biệt phủ... thì rất buồn, nhưng sẽ còn buồn hơn nếu công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng không vạch mặt, chỉ tên ra được những vị “chưa bị lộ” tiếp theo. Bởi vì, như Đảng ta nhận định, tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên rơi vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cho nên, mỗi vụ đại án bị phanh phui, mỗi vị quan tham bị phát hiện, đưa ra trước công luận và pháp luật sẽ góp phần làm cho Đảng, Nhà nước ta thêm phần trong sạch, cái “bộ phận không nhỏ” kia ngày càng bị thu nhỏ. Những reo vui khe khẽ của sự thật, của chân lý, của lẽ phải, của niềm tin... cần được tiếp tục ngân lên!
Nguyễn Hồng