Lãnh đạo Bộ NNPTNN và Đoàn công tác của tỉnh Bắc Kạn thị sát Dự án hồ chứa nước Nặm Cắt hơn 2 năm về trướcCố ý làm trái…
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và cắt giảm đầu tư công… tại Dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt, xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn (nay là T.P Bắc Kạn) được Chủ đầu tư cho tạm dừng triển khai.
Tuy nhiên, khi tạm dừng triển khai, số tiền 17.813.400.000 đồng dành cho đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa kịp giải ngân hết đến tay người dân, đã được Ban Bồi thường GPMB thị xã Bắc Kạn kịp thời niêm phong trong tài khoản (tiền vẫn nằm trong Kho bạc) để chờ đợi chỉ đạo của cấp trên.
Đến ngày 12-5-2014, Bộ trưởng Bộ NNPTNT có Quyết định 996/QĐ-BNN-XD phê duyệt lại Dự án đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước Nặm Cắt. Tiếp đó, ngày 11-6-2014, Chủ tịch UBND thị xã Bắc Kạn (nay là UBND T.P Bắc Kạn) ký Thông báo số 70/TB-UBND, về việc tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt, trong đó đề nghị Ban Bồi thường GPMB thị xã tiếp tục chi trả tiền bồi thường cho nhân dân trong vùng dự án.
Điều oái ăm là ngày 12-6-2014, Thanh tra tỉnh Bắc Kạn lại ký Quyết định số 164/QĐ-TTr “Thanh tra Chuyên đề diện rộng về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ”. Trong quá trình thanh tra, đối với Dự án Hồ chứa Nặm Cắt, Đoàn Thanh tra phát hiện số tiền 17.813.400.000 đồng là tiền đền bù GPMB cho người dân vẫn đang nằm trong tài khoản của Ban Bồi thường GPMB thị xã Bắc Kạn. Sau khi phát hiện, Đoàn tham mưu cho ông Hà Văn Hùng - Chánh thanh tra tỉnh khi đó ban hành Quyết định số 267/QĐ-TTr ngày 11-8-2014, thu hồi số tiền đó về tài khoản tạm giữ của Thanh tra, sau đó tiếp tục chuyển nộp vào ngân sách nhà nước, để có cớ chia thưởng.
Đến ngày 26-9-2014, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Kạn có văn bản số 332/TTr-VP gửi đến UBND tỉnh, Sở Tài chính đề nghị được trích thưởng 30% số tiền đền bù GPMB, do “có công” phát hiện thu nộp lại vào ngân sách Nhà nước.
Ngày 9-10-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn ký Quyết định số 1772/QĐ-UBND “Về việc Trích 30% từ khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra, thực nộp vào ngân sách Nhà nước năm 2014, cho Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ”. Số tiền trích thưởng tương đương khoảng 3 tỷ đồng. Có quyết định trích thưởng, ngay lập tức phía Thanh tra tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ chia thưởng, trong đó có 3 người, được gọi là “có công thu hồi được 17.813.400.000 đồng”, mỗi cá nhân được thưởng 100 triệu đồng (trong đó ông Hà Văn Hùng - Chánh thanh tra tỉnh Bắc Kạn cũng nhận 100 triệu đồng).
Sự việc bị lộ, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu nộp lại, phía Thanh tra tỉnh Bắc Kạn tìm mọi lý do từ chối nộp. Khi tỉnh Bắc Kạn “cầu cứu” Thanh tra Chính phủ phân định đúng sai, các cá nhân nhận tiền thưởng sai mới chịu nộp lại, trong đó ông Hà Văn Hùng đã trả lại ngân sách Nhà nước số tiền 100 triệu đồng.

Sao không khởi tố?
Một số người dân cho rằng, cách nhận tiền và hoàn trả tiền đã rõ ràng, dấu hiệu “tham nhũng có tổ chức” đã hình thành. Bởi lẽ, khi bị cấp trên nhắc nhở phía Thanh tra tỉnh Bắc Kạn cũng không thành khẩn, mà chây ì, để sự việc kéo dài gần 1 năm, gây bất bình trong dư luận. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, những cán bộ này mới chịu nộp trả lại tiền vào ngân sách, rõ ràng chẳng khác nào kẻ ăn cắp khi bị phát hiện mới chịu trả lại tang vật. Đây là vi phạm pháp luật nhưng không hiểu sao những người vi phạm này lại không bị xử lý về mặt pháp luật, mà chỉ bị khiển trách về Đảng, đang là câu hỏi lớn ở tỉnh Bắc Kạn?
Điều đáng nói, dấu hiệu vi phạm pháp luật khá rõ, thì bà Triệu Thị Vanh, thường trú tại tổ 9, phường Sông Cầu, T.P Bắc Kạn (là vợ ông Hà Văn Hùng) có đơn khiếu nại Thanh tra Chính phủ, cho rằng chồng bà bị kỷ luật là oan sai trong vụ chia chác tiền đền bù.
Tuy nhiên, sau khi xem xét vụ việc, Thanh tra Chính phủ xác định: “…Khoản tiền 17.813.400.000 đồng là tiền tạm ứng chưa chi, đang nằm trong tài khoản của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước, không phải là tiền chi sai, do đó, không được trích cho cơ quan Thanh tra theo Thông tư số 90/2012/TTLB-BTC-TTCP. Vì vậy, cơ quan thanh tra cũng không được sử dụng số tiền này, đặc biệt là chi thưởng cho cá nhân thuộc thành viên Đoàn Thanh tra với số tiền 543.538.689 đồng (trong đó có ông Hà Văn Hùng), là vi phạm pháp luật”.Công trình hồ chứa nước Nậm Cắt...Dù Thanh tra Chính phủ xác định vụ việc vi phạm pháp luật, nhưng mới đây, ngày 8-8-2017, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết: “…Sau khi dư luận cũng như một số cơ quan báo chí phản ánh về việc của anh Hùng, Tỉnh ủy và một số cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn cũng vào cuộc… Cụ thể là khiển trách anh Hùng về mặt Đảng… còn về bên chính quyền thì trong cuộc giao ban gần đây, cơ quan điều tra cho rằng, việc vi phạm của anh Hùng là chưa đủ căn cứ để khởi tố… đề nghị PV sang bên Viện Kiểm sát tỉnh là có đủ hết các văn bản…”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đến Viện Kiểm sát tỉnh Bắc Kạn để liên hệ tìm hiểu như đề nghị của ông Hiệp, bộ phận thường trực của cơ quan này cho biết, lãnh đạo Viện… đang họp!
Trao đổi qua điện thoại với ông Bàn Văn Thạch - Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Bắc Kạn, ông Thạch nói rằng: “Chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp thời gian làm việc, bây giờ tôi đang bận họp”!?
Nhân đây, chúng tôi xin trích điều luật của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) để bạn đọc tham khảo: Tại chương XXI (các tội phạm về chức vụ), Mục A (các tội phạm về tham nhũng), Điều 280 (tội lạm dụng chức quyền, quyền hạn chiếm đoạt tài sản), Khoản 2 (phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 năm đến 13 năm), tiết Đ về việc “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng”.
Với quy định của pháp luật rất rõ ràng, nhưng không hiểu sao cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Kạn không khởi tố vụ án?
Bài và ảnh: Lê Thanh - Minh Nguyệt