Trần Văn Dũng về công tác ở Phòng Văn hóa huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu. Ngày tháng qua đi, Dũng gặp cô gái Hà Tĩnh là Nguyễn Thị Lan làm y sĩ ở bệnh viện huyện Tuần Giáo. Cả hai tâm đầu ý hợp nên duyên vợ chồng. Lần tổ chức hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, gia đình cử anh tôi là Trần Văn Hựu lên huyện Tuần Giáo cùng hai cơ quan tổ chức Lễ thành hôn cho Dũng và Lan.
Chưa được 6 tháng sau thì xảy ra chuyện đau lòng. Vào một đêm tháng 2-1968, máy bay phản lực Mỹ đến oanh tạc huyện Tuần Giáo. Trần Văn Dũng trúng bom đã hy sinh, vợ anh bị thương phải đi cấp cứu. Bấy giờ hai gia đình chẳng có ai. Sức đã kiệt, Lan cố hết sức mình bò theo dòng người đi tiễn biệt chồng, để nhận biết nấm mồ của chồng được an táng bên cạnh gốc cây dưới chân đồi.
Là anh trai người đã mất, tôi là Trần Văn Hãn viết chuyện này để cảm ơn tấm lòng của người em dâu quả cảm, thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình. Khi máy bay địch ném bom, Dũng lấy thân mình che chắn đạn cho Lan. Khi đó, Lan đã có thai ba tháng và hy vọng đứa con đầu đời của Dũng là niềm vui an ủi để sống. Nhưng Lan bị thương nên đứa con trong bụng Lan bị tuột mất. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Nghĩ đến chồng, Lan phải cố sống, để trả ơn Dũng. Sau những ngày đó, Lan gượng dậy viết thư xin lỗi bố mẹ của Dũng và gia đình nhà chồng. Đọc thư của Lan cả nhà đều khóc. Gia đình thương xót con trai bao nhiêu, lại thương con dâu bấy nhiêu. Từ ấy gia đình coi Lan như con gái trong nhà. Sau một tuần gia đình tôi nhận được Giấy báo tử của Dũng.
Thời gian thấm thoắt 3 năm. Lần này bác cả Trần Văn Hựu lên Tuần Giáo đổi mộ cho Dũng. Bấy giờ đang lúc chiến tranh chống Mỹ, chưa có chủ trương quy tập mộ liệt sĩ. Nên bác cả không mang hài cốt chú Dũng về quê. Khi đó tôi cũng đang tại ngũ nên không đến được. Lan tìm nơi đặt mộ cho chồng. Bác cả làm tấm bia bằng xi măng để đánh dấu phần mộ của Dũng.
Công việc xong bác cả ra về. Lúc này, đó Lan có ý định đi phép và mang hài cốt của chồng về quê. Thế là Lan bí mật không cho ai biết, đào lấy bộ hài cốt của chồng, rồi đem rửa sạch phơi khô, gói vào cái màn cùng một số vật dụng của chồng. Bọc ngoài là chiếc chăn len, để vào va ly. Chiếc va ly này để trong phòng của Lan như những ngày còn đang chung sống. Hầu như ngày nào nước mắt của Lan cũng rơi trên chiếc va ly đó.
Nửa năm sau, Lan báo cáo cơ quan xin đi phép. Cơ quan chưa giải quyết, lúc này cơ quan cử Lan phụ trách đội đi chống sốt rét ở huyện vùng cao Mường Tè. Tình thế bắt buộc Lan phải đem gửi chiếc va-li cho người bạn gái làm thủ kho thuốc ở Bệnh viện huyện Tuần Giáo.
Sau đó người thủ kho này được thuyên chuyển công tác. Chiếc va-li của Lan được bàn giao cho thủ kho mới. Một hôm vì tò mò, người thủ kho này đã cạy chiếc va-li, khi thấy bộ hài cốt, ông sợ hãi. Lập tức Lan được gọi về cơ quan để làm rõ sự việc. Mọi người rất xúc động khi hiểu ra nguồn cơn ý nguyện việc làm của Lan. Các bác lãnh đạo cơ quan rất cảm động và thông cảm nhiều.
Lúc này, cơ quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Lan đi phép, về quê chồng ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Trên đường đi phép, Lan gánh va-li hài cốt của chồng, một bên là túi du lịch đựng tư trang hành lý.
Sau khi đưa hài cốt chồng về, Lan tự tay trải chiếu hoa ra giữa nhà Tổ đường và xách va-li đặt lên chiếu. Lan nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: Thưa mẹ, thưa cô, dì, chú, bác, anh em trong họ và gia đình, con đã làm tròn lời hứa với chồng con. Con đã mang được hài cốt của chồng con về cho gia đình. Mọi người có mặt trong gia đình lúc bấy giờ không ai kìm được nước mắt. Mẹ tôi và chị tôi ngất đi, vì thương tiếc người đã mất và cảm động trước tấm lòng người vợ trẻ. Bác cả lau nước mắt, tay sờ vào từng cái xương. Như đang tìm kiếm điều gì, bỗng bác nói đây rồi! Và giơ lên hai cái xương sườn trúng bom bị gãy. Hai cái xương này bác đã cọ rửa lần đổi mộ cho em.
Việc làm ân nghĩa của cô em dâu tôi để lại bao ấn tượng tốt đẹp cho gia đình và họ tộc. Tiếng lành đồn xa, trên xã dưới thôn đều hỏi thăm để biết mặt người con dâu thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình. Thời gian thấm thoắt trôi, mái đầu thêm bạc. Lan chẳng nghĩ đến việc riêng tư của mình, chỉ lo con đường sự nghiệp công danh, Lan đã học qua đại học Y, được về công tác ở bệnh viện tỉnh nhà.
Tháng 11-2000 mẹ chồng của Dũng, cụ Hà Thị Đa mất, cụ vẫn còn nhớ như in người con dâu hiếu thảo năm nào. Khi ấy gia đình tôi có con em công tác lái xe con ở Việt Trì. Vào Hà Tĩnh đón Lan về chịu tang mẹ tôi. Đi cùng Lan là một cháu trai 5 tuổi. Trước bàn thờ tổ tiên và linh sàng của mẹ tôi, Lan nói trong tiếng khóc: Đây là đứa con nuôi mang dòng họ Trần. Cháu Trần Văn Tuấn kế nghiệp cuộc đời anh Trần Văn Dũng.
Ngày mẹ đẻ của Lan mất, gia đình cử tôi vào thăm viếng. Nhân dịp này, tôi có cơ hội kể lại việc làm ân nghĩa của em dâu. Đã sống chung với bộ hài cốt của chồng hơn nửa năm trời. Đến thăm viếng hương khói mẹ em dâu. Chuyến đi của tôi đầy ý nghĩa kỷ niệm của gia đình. Tôi được nói những gì cần thiết tốt đẹp của Lan, cho xóm làng quê em được biết. Tôi nửa mừng, nửa tủi, cháu Tuấn - con nuôi của Lan 7 tuổi. Thương cho số phận mẹ con của em. Tôi cầu mong mẹ con Lan luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Trần Văn Hãn