Chị em chúng tôi cùng khoá và là ba trong số nữ đầu tiên của ngành cơ yếu đi chiến trường. Thời kỳ này, bác Võ Chí Công làm Bí thư Khu uỷ - Chính uỷ quân khu; bác Tư Thuận (tức Trương Chí Cương) làm Phó bí thư; bác Hai Hạnh (tức Chu Huy Mân) là Tư lệnh; bác Đoàn Khuê làm Phó tư lệnh kiêm Phó chính uỷ.

Ngày ấy, cơ quan cơ yếu phục vụ Tổng tiến công phải làm việc 24/24 giờ, chúng tôi phải thay nhau mỗi người mỗi ngày chỉ được ngủ 1-2 giờ. Bác Đoàn Khuê thường bảo chúng tôi: “Tụi bay phải thức nhiều, thiếu ngủ, mất sức khoẻ quá...”. Bởi thông cảm vậy, nên bác nhắc bộ phận hậu cần khi có lương thực, thực phẩm, nên cấp thêm cho anh chị em cơ yếu để có sức làm việc.

Chiến trường gian khổ, ác liệt, công việc lại căng thẳng, nên năm 1971, sau đợt phục vụ các chiến dịch tiến công đánh bại ý đồ “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ, tôi bị sốt rét nặng, kéo dài, đi lại phải chống gậy. Một hôm, bác Võ Chí Công sang thăm cơ quan cơ yếu, thấy tôi yếu quá, bác nói với bác Đoàn Khuê (lúc đó sắp ra Bắc họp) cho tôi đi cùng để chữa bệnh. Trong đoàn, còn có anh Phan Hành Sơn – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và một số trợ lý , trong đó có anh Lê Huy Liệu - người yêu của tôi.

Ra tới miền Bắc, anh Trương Văn Phu, thư ký của bác Đoàn Khuê, mới nói về tình cảm của anh Lê Huy Liệu với tôi cho bác nghe. Ngày ấy đang có chiến tranh, chúng tôi không dám công khai chuyện riêng tư của mình, vì sợ mọi người phê bình là không tập trung vào nhiệm vụ. Nhưng thật không ngờ, khi nghe anh Phu nói vậy, bác Khuê đã gọi cả hai chúng tôi tới, trách sao không nói sớm, giờ nghe chuyện, thủ trưởng rất ủng hộ, rồi giục chúng tôi về thăm và báo cáo gia đình. Ở quê ra, tôi lại tái sốt rét, phải vào bệnh viện E điều trị. Bác Đoàn Khuê vào thăm và biết ngoài sốt rét ra, tôi còn bị bướu cổ. Để đảm bảo hạnh phúc cho chúng tôi, bác bảo anh Nguyễn Văn Bang, là y sĩ cùng đi trong đoàn, vào trực tiếp gặp chị Ngân, bác sĩ, đang điều trị cho tôi, hỏi thăm và đề nghị bác sĩ cố gắng giúp đỡ. Khi thấy bệnh tình tôi đã thuyên giảm, bác động viên chúng tôi tiến tới hôn nhân, và về tận nhà tôi bàn với bố mẹ tôi tổ chức đám cưới. Lại chính bác đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới của vợ chồng tôi. Hôm đó là ngày 6-6-1972. Lúc đó, anh Lê Huy Liệu là trung uý, cán bộ cùng cơ quan.

Một tuần sau khi cưới, chồng tôi và đoàn công tác lại lên đường vào chiến trường Khu 5. Đến năm 1974, chồng tôi mới có dịp ra Bắc và đến tháng 12-1974, chúng tôi có cháu gái đầu lòng...

Đại tướng Đoàn Khuê đã đi xa, nhưng tình cảm, mối quan tâm đặc biệt, sự động viên, chia sẻ của bác với vợ chồng tôi, suốt đời chúng tôi không thể nào quên.

VŨ THỊ ĐỨC