Sau thời gian nhọc nhằn đi đòi nợ và báo chí vào cuộc lên tiếng, đơn vị sở hữu trái phiếu thuộc hệ sinh thái Tiến Phước Group đã thanh toán 30% giá trị hợp đồng cho 1 nhà đầu tư ở Hà Nội.
Trầy trật mới đòi được… 30% vốn!
Sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, ngày 25-12-2023, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Công nghệ cao (gọi tắt là CNC) đã thanh toán 30% giá trị hợp đồng, tương đương số tiền 200 triệu đồng cho CCB Phan Thanh Hùng.
Được biết trước đó, ngày 19-7-2023, CNC có thông báo số 51 gửi các nhà đầu tư đề nghị xin được “gia hạn đầu tư đối với số tiền đầu tư và lợi tức cuối kỳ theo hợp đồng đã ký (khoản đến hạn) từ ngày kết thúc của thời hạn đầu tư đến đến 22-9-2024”. Thông báo này cũng cam kết về tỷ suất lợi tức ròng cố định trong suốt thời hạn đầu tư gia hạn được tăng lên 11%/năm (trước đó giao kết trong hợp đồng là 9,9%/năm). Tuy nhiên, CCB Phan Thanh Hùng không đồng ý phương án CNC đưa ra.
Theo CCB Hùng, số tiền 700 triệu đồng đầu tư mua trái phiếu TPI (mã trái phiếu TICCH2124001 do CNC là chủ sở hữu), đây là khoản tiền tiết kiệm gia đình cần sử dụng vào “công việc quan trọng” dịp cuối năm 2023 nên cần phải được thanh toán đúng hạn như giao kết tại hợp đồng hai bên đã ký.
Trước đó, như Báo CCB Việt Nam (số 1519, ra ngày 19-12-2023) phản ánh, CCB Phan Thanh Hùng là khách hàng thân thiết và lâu năm của Ngân hàng “X”, có nhiều khoản tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm nên được Ngân hàng “X” quan tâm, thường xuyên cử cán bộ đến tư vấn/phục vụ nhiệt tình tại nhà riêng.
Ngày 16-3-2022, sau khi được nhân viên ngân hàng “X” tư vấn, CCB Phan Thanh Hùng đã chuyển số tiền 500 triệu đồng đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng “X” sang ký Hợp đồng với Công ty CP sàn giao dịch bất động sản Tiến Phước (gọi tắt là BĐS Tiến Phước) để mua 5.000 TPDN với lãi suất cao (mã trái phiếu: GTPCH2123002) do Công ty CP tập đoàn Tiến Phước phát hành ngày 6-4-2021. Thời hạn đầu tư cho 5.000 trái phiếu trong vòng 1 năm.
Tương tự, ngày 28-9-2022, sau buổi tư vấn của cán bộ ngân hàng “X”, CCB Phan Thanh Hùng tiếp tục chuyển số tiền 700 triệu đồng đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng này sang ký hợp đồng với Công ty CP thương mại dịch vụ công nghệ cao (CNC) để mua 700 trái phiếu TICCH2124001 do Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Đầu tư TPI phát hành ngày 22-9-2021. Thời hạn đầu tư 700 trái phiếu trong vòng 1 năm.
Có điều, cả hai hợp đồng khi đến hạn kết thúc đầu tư, CCB Phan Thanh Hùng đều không được CNC và BĐS Tiến Phước thanh toán đúng thời hạn như đã giao kết.
Cẩn trọng đầu tư trái phiếu khi áp lực đáo hạn trong kinh doanh liên tiếp thua lỗ
Trước đó, trên một số diễn đàn thông tin, vào đầu năm 2023, Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Tiến Phước có 2 lô trái phiếu GTPCH2123001 (300 tỷ đồng) và GTPCH2123002 (200 tỷ đồng) sẽ đáo hạn vào các ngày 25-3-2023 và 6-4-2023. Trong đó lô trái phiếu GTPCH2123002 mà CCB Phan Thanh Hùng đã chuyển từ số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng sang đầu tư mua 5.000 trái phiếu.
Tương tự, lô trái phiếu TPCCH2223001 (161 tỷ đồng) của CTCP Bất động sản Tiến Phước cũng sẽ được đáo hạn vào ngày 30-3-2023. Nhưng đáng chú ý hơn là, BĐS Tiến Phước huy động lô trái phiếu TPCCH2223001 trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu theo dữ liệu báo cáo tài chính thể hiện. Cụ thể, số liệu riêng lẻ của BĐS Tiến Phước cho thấy, năm 2020 doanh nghiệp này lỗ 87 tỷ đồng, lỗ tiếp 227 tỷ đồng năm 2021. Việc thua lỗ liên tiếp 2 năm liền là nguyên nhân chính dẫn đến tại thời điểm cuối năm 2021, BĐS Tiến Phước phải gánh số lỗ luỹ kế hơn 92 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu về gần 1.926 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu 2.018 tỷ đồng.
Tại ngày 31-12-2021, tổng nợ phải trả của BĐS Tiến Phước còn 5.382 tỷ đồng, chiếm 74% nguồn vốn, tăng 20% so với cùng kỳ và gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu, cho thấy nguồn vốn của BĐS Tiến Phước ở giai đoạn này được tài trợ chủ yếu bởi nợ.
Số liệu tài chính 6 tháng đầu năm 2023 gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (tại kỳ báo cáo tháng 8-2023) BĐS Tiến Phước báo lỗ sau thuế là 46,199 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ nửa đầu năm 2022, đơn vị này báo lãi 1,288 tỷ đồng. Đáng chú ý, giai đoạn 2018-2022, BĐS Tiến Phước có 4 lần huy động hằng nghìn tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Hiện nay, chỉ có lô trái phiếu TPCCH2223001, được huy động vào tháng 3-2022, đáo hạn tháng 3-2023 nhưng cũng phải gia hạn thanh toán vào tháng 3-2024, với lãi suất tăng lên 11%, vẫn còn lưu hành với tổng giá trị còn hơn 161 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tiến Phước Group cũng có tên trong danh sách huy động trái phiếu những năm qua. Đơn cử, cuối tháng 9-2021, Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI - doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tập đoàn Tiến Phước phát hành lô trái phiếu có giá trị 1.000 tỷ đồng. Đây là lô Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản. Mục đích phát hành là tăng quy mô vốn hoạt động của Tổ chức phát hành. Ngày đáo hạn tháng 9-2024, trong đó có số lượng 700 trái phiếu mà CCB Phan Thanh Hùng đã ký hợp đồng đầu tư với CNC, là đơn vị chủ sở hữu số lượng 700 trái phiếu này.
Theo chuyên gia tài chính, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ của doanh nghiệp không hề nhỏ. Do đó, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền mua trái phiếu doanh nghiệp thông qua môi giới!
Bài và ảnh: Tư Hoành