Nhiều người sau chuyến tham quan miễn phí đã mua bộ thực phẩm “Hồng sâm Ngọc Linh nhụy hoa nghệ tây saffron”.

Công bố một đằng, sản xuất một nẻo là những gì mà Nhà máy Newzealand milk của Công ty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand (Neazealand milk) đã và đang làm đối với sản phẩm “Hồng sâm Ngọc Linh”. Điều đáng nói, Nhà máy Newzealand milk chỉ là “bình phong”, còn thực tế sản xuất ra sản phẩm này lại do một công ty khác thực hiện…

Công bố một đằng, làm một nẻo?!

Theo Bản công bố của Nhà máy Newzealand milk, tên đầy đủ của sản phẩm Hồng sâm Ngọc Linh này là “Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt Hồng sâm Ngọc Linh nhụy hoa nghệ tây saffron canxi nano tảo đỏ” (sản phẩm dinh dưỡng dùng cho người trung tuổi, cao tuổi).

Bản công bố cũng cho thấy thành phần sữa bột (35-45%), bột hồng sâm ngọc linh (3-5%), bột nhụy hoa nghệ tây (1-3%), canxi nano tảo đỏ aquamin F (3-5%), whey protein, nondairy creamer, soy protein, maltodextrin, mono, bột khoáng có chứa (L-Lysine, taurine, Fos, Inulin…) vitamin (B1, B2, B5, B6, A, K2, D, E, C), photpho, magie, sắt, kẽm, đồng, iot, acid folic, hương valina thực phẩm và nguyên liệu sữa bột nhập khẩu của Newzealand.

Sản phẩm có qui cách các gói loại từ 3g đến 1kg; loại lon (hộp) từ 100g, 150g, 400g, 500g, 900g và 1kg, được sản xuất theo nhu cầu của thị trường cho từng loại.

Đáng chú ý, bản công bố sản phẩm khẳng định tên và địa chỉ cơ sở sản xuất sản phẩm: Nhà máy Newzealand milk - chi nhánh của Công ty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand có địa chỉ tại xóm Hạnh Phúc, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là tổ 4, thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn -PV)

Sản phẩm được sản xuất theo Quy chuẩn Việt Nam 8-2:2011/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm; Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19-12-2007 của Bộ Y tế quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm; Tiêu chuẩn của nhà sản xuất số TCCS: 01/2020/NEWZEALAND ngày 17-8-2020.

Bản công bố còn cam kết thực hiện đầy đủ các qui định của pháp luật về ATTP và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, ATTP đối với sản phẩm đã công bố và chỉ đưa vào sản xuất, kinh doanh khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Tuy nhiên, những gì Nhà máy Newzealand milk công bố và thực hiện dường như có những nội dung, có những thành phần trong/trên sản phẩm không giống như công bố.

Cụ thể, trên vỏ hộp “Hồng sâm Ngọc Linh” loại 400g, cho thấy, đơn vị sản xuất sản phẩm này là “Chi nhánh Công ty CP Dược phẩm Quốc tế VN Anh Quốc Trường Đại Hưng” có địa chỉ tại tiểu khu Liên Sơn, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn.

Trên vỏ hộp này còn ghi “Số XNCB: 03/2019/ĐKSP - Bộ Y tế cấp phép lưu hành (ATTP-HB). Giấy chứng nhận: HA266-20, ISO 22000: 2018 (hệ thống quản lý ATTP). Cấp phép bởi: Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - Viện Nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn chất lượng. Phân phối bởi: Công ty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand”.

Như vậy, có thể hiểu Newzealand milk không trực tiếp sản xuất sản phẩm “Hồng sâm Ngọc Linh“ này bởi thành phần sữa bột ghi trên vỏ hộp là 55-60%, không giống như bản công bố của Nhà máy Newzealand milk công bố sữa bột có hàm lượng 35-45%. Đáng chú ý, với thành phần bột hồng sâm ngọc linh chiếm tỷ lệ 3-5% được ghi trên vỏ hộp, nhưng thực chất thông tin công bố đưa ra đơn vị tính lại là “định tính” và mức công bố xác định là “dương tính” đối với thành phần này, không thấy tỷ lệ hàm lượng cụ thể là bao nhiêu như công bố trên vỏ hộp cũng như trong bản công bố sản phẩm...

Phải chăng “treo đầu dê, bán thịt chó”?

Theo tài liệu UBND xã Hòa Sơn cung cấp, một số giấy tờ chứng minh việc mua bán hàng hóa của Công ty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand như sau: Hóa đơn do Công ty CP thương mại và xuất nhập khẩu Phương Minh (ở Hà Nội) xuất cho Công ty này với số lượng ghi: Hương sâm 15 kg, hương sữa 15kg và hương vanilla 15kg. Giá thành của hương sâm khoảng 390.000 đồng/1kg; hương sữa là 336.000 đồng/kg và hương vanilla là 345.000 đồng/kg. Tổng số tiền thanh toán là 17.700.000 đồng.

Đi kèm hóa đơn, đều có Giấy xác nhận sản phẩm phù hợp qui định ATTP do ông Lê Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP  Bộ Y tế ký chứng thực.

Cục ATVSTP còn xác nhận phụ gia thực phẩm Hương sâm - Gineng Flavour; phụ gia thực phẩm - Hương sữa - Milk Flavour PAP0020-EB200 và phụ gia thực phẩm - Hương vanilla Creamy Flavour, thuộc nhóm “Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ cho chế biến”.

Tuy nhiên, nếu để ý kĩ những tờ hóa đơn mua hàng, nhiều người sẽ không khỏi hoài nghi Newzealand milk mua phụ gia Hương sâm – Gineng Flavour về thay thế cho “bột hồng sâm ngọc linh” như công bố, hòng đánh lừa người tiêu dùng? Bởi ghi nhận giá thành của sâm ngọc linh hiện nay trên thị trường được bán với giá rất cao, giao động từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/1kg.

Không những thế, để che đậy thông tin hương sâm với bột sâm, bản giải thích thông tin về chất lượng sản phẩm “Hồng sâm Ngọc Linh”, do ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Chi nhánh Nhà máy Newzealand milk ký ngày 17-8-2020 cũng rất lập lờ. Thông tin giới thiệu về sâm ngọc linh được giải thích khá ngắn gọn: “…Theo Cuốn kỹ năng truyền thông an toàn thực phẩm và các khái niệm liên quan do Nhà xuất bản Y học xuất bản năm 2018, tại trang 355-356”. Còn giải thích về sản phẩm “Nhụy hoa nghệ tây 2 và Nhụy hoa nghệ tây”, ông Thành cũng chỉ trích lược lại thông tin từ bài báo được đăng trên trang mạng baomoi.com…

Ngoài các sản phẩm trên, một số hóa đơn mua hàng còn cho thấy có những loại sản phẩm: Kem không sữa T40-E (Non dairycreamer T40-E, sản phẩm Dextrose Monohydrat, Maltondextrin của một số doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất…

Phải chăng vì những lập lờ trên bao bì nhãn mác, lập lờ về nơi sản xuất, lập lờ trên tờ giải thích thông tin về sâm ngọc linh, cộng với kỹ năng thuyết trình, quảng bá một cách tinh vi, bài bản trong những buổi hội thảo khiến cho không ít đoàn CCB, người già ở các tỉnh - thành đến tham quan Nhà máy Newzealand milk, lầm tưởng sản phẩm “Hồng sâm Ngọc Linh” có sâm ngọc linh thứ thiệt để mua hàng?

Những ngày cuối tháng 10 này, dù bị chính quyền sở tại tạm đóng cửa để làm rõ dấu hiệu vi phạm, lừa đảo khách hàng bằng mô hình tham quan nhà máy, nhưng “vở kịch” Newzealand milk đưa người ở các tỉnh thành đến tham quan vẫn cứ lặp đi lặp lại, bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương!

Bài và ảnh: Doanh Chính