Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy hoạt động của Việt Nam tại LHQ là sự triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Với nhiều đóng góp tích cực trong 40 năm qua, tại cuộc hội đàm với Tổng Thư ký LHQ - Antonio Guterres tại Trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 30-5-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Là thành viên có trách nhiệm của LHQ, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào công việc chung của tổ chức này. Về phần mình, Tổng Thư ký Antonio Guterres ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam tại các cơ chế LHQ.
Trước hết, chúng ta đang tham gia ngày một rộng rãi và hiệu quả hơn vào các cơ chế hoạch định chính sách của LHQ. Việt Nam được bầu vào nhiều vị trí quan trọng như thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Hội đồng chấp hành Chương trình phát triển và Quỹ Dân số, Uỷ ban Nhân quyền, Hội đồng Điều hành Liên minh bưu chính thế giới, Liên minh Viễn thông quốc tế, Hội đồng chấp hành UNESCO. Trong đó, nổi bật nhất là việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu rất cao và đã hoàn thành xuất sắc trọng trách này. Dự kiến, Việt Nam sẽ ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
Tại các cơ quan trên, chúng ta chủ động, tích cực cùng các nước thành viên, trong đó có các nước lớn trên thế giới, giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới liên quan đến hòa bình, an ninh, phát triển và thúc đẩy quyền con người. Những đóng góp đó góp phần tạo dấu ấn của Việt Nam, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Trên lĩnh vực hòa bình - an ninh, Việt Nam ủng hộ giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nước khác, giải trừ quân bị, chống chạy đua vũ trang. Chúng ta là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế về giải trừ quân bị như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Công ước cấm vũ khí sinh học, Công ước cấm vũ khí hoá học, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, Hiệp định bảo đảm hạt nhân, Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân... Chúng ta luôn tuân thủ và thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an LHQ về chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và nhiều nghị quyết liên quan khác.
Đặc biệt, từ tháng 6-2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Với quyết định này, chúng ta không chỉ dừng ở mức đóng góp bằng tài chính hay bằng tiếng nói, mà cả bằng nhân lực vào công việc chung của LHQ. Sự tận tâm, trách nhiệm của các sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong Lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ ở Nam Sudan, Mali, Trung Phi... được các đồng nghiệp quốc tế và LHQ ghi nhận, đánh giá cao.
Từ một nước nghèo bị bao vây cấm vận, chúng ta vươn lên để trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp. Thành công trong xóa đói giảm nghèo, cải cách và nhất là hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) cũng là những đóng góp của Việt Nam trong phát triển trên thế giới. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên LHQ lại chọn Việt Nam là 1 trong 8 nước để triển khai thí điểm mô hình “Một LHQ”. Sự hợp tác giữa Việt Nam và LHQ là một ví dụ về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên LHQ, cũng như về vai trò của LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.
Trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người, chúng ta đã và đang luật hóa và bảo đảm ngày một tốt hơn trên thực tế các quyền của người dân. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 5 trong số 9 điều ước quốc tế chủ chốt nhất về quyền con người: Công ước về các quyền dân sự và chính trị; Công ước về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quyền trẻ em. Chúng ta đang tích cực nghiên cứu phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật và gia nhập Công ước chống tra tấn trong thời gian tới.
Những đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam tại LHQ được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Điều này cũng hối thúc chúng ta phải phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam tại LHQ. Với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với kinh nghiệm và thành tựu tích lũy được trong hoạt động ngoại giao đa phương nhiều năm, cùng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta có cơ sở thuận lợi để làm tốt nhiệm vụ đó, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển KT-XH công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp cho cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đăng Song