Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội động vật học Việt Nam cho biết, trong hai năm 2001 - 2002, ông cùng các chuyên gia động vật học tiến hành khảo sát về loài tê giác ở khu vực Cát Lộc, Cát Tiên thấy có nhiều dấu chân của tê giác. Các dấu chân đều được đúc thạch cao để lưu giữ ở vườn quốc gia Cát Tiên.
Tuy nhiên các chuyên gia quốc tế giải thích rằng, các dấu chân đã được đúc thạch cao có kích thước khác nhau có thể do tác động của môi trường, thời tiết. Ví dụ dấu chân tê giác để lại sau trận mưa, hoặc tại khu vực đất ẩm, bùn nhão có thể biến dạng, thu nhỏ lại, không như hình dạng ban đầu.
Theo ông Huỳnh, cách đây khoảng hơn 10 năm, có thông tin kiểm lâm phát hiện một bộ xương của con tê giác một sừng, tức là có tổng số 2 bộ xương của loài động vật quý hiếm nhất trên thế giới này ở vườn quốc gia Cát Tiên.
Ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cũng đồng tình: "Không thể căn cứ vào việc không tìm thấy dấu hiệu tê giác chỉ trong chừng ấy thời gian mà tuyên bố rằng loài thú này đã tuyệt chủng ở Việt Nam".
Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật khẳng định: "Cần có nghiên cứu cụ thể hơn nữa để đưa ra kết luận cuối cùng. Chúng ta hoàn toàn hy vọng tê giác một sừng vẫn còn ở Việt Nam".
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học khác cho rằng, kể cả ngay khi con tê giác một sừng bị sát hại vào tháng 4 năm ngoái, thì quần thể tê giác ở Cát Tiên vẫn còn ít nhất là 3 con, cũng có ý kiến nói ở khu vực này có tới 8 con tê giác.
Hiện chỉ còn lại một quần thể tê giác Java duy nhất tại một vườn quốc gia nhỏ của Indonesia với số lượng chưa đến 50 con. Loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi nhu cầu đối với sừng tê giác dùng cho các loại thuốc cổ truyền ở châu Á gia tăng. Điều đó khiến cho hoạt động bảo vệ và mở rộng quần thể tê giác tại Indonesia trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.
Tê giác một sừng ở Việt Nam (tên khoa học là *rhinoceros sondaicus annamiticus, còn gọi là tê giác Java) *từng được cho là tuyệt chủng ở khu vực Đông Nam Á cho đến khi những người thợ săn giết chết một con vào năm 1988. Theo các chuyên gia, trong môi trường hoang dã thì tuổi thọ của tê giác Java khoảng 40-45 năm.
Quỳnh Anh (TH)