Viêm phế quản mạn tính là bệnh thuộc đường hô hấp dưới. Bệnh hay gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi, trong đó chủ yếu ở người cao tuổi, nam giới thường gặp nhiều hơn nữ giới. Người cao tuổi thường bị viêm phế quản mạn tính, nguyên nhân chủ yếu là do sức đề kháng của người cao tuổi ngày càng kém và do hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm. Đặc biệt, do nhiễm vi khuẩn, viêm xoang, viêm đường hô hấp trên và hít phải bụi ô nhiễm, bụi công nghiệp…
Biểu hiện của bệnh
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hiệp thì bệnh viêm phế quản mạn tính thường có 3 hiện tượng: ho, khạc đờm nhầy hoặc mủ và khó thở. Giai đoạn đầu của bệnh viêm phế quản mạn tính là người bệnh ho và khạc ra đờm vào buổi sáng. Ho thường xảy ra từng đợt, nhất là khi thời tiết thay đổi (nóng, lạnh đột ngột, chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại), mỗi đợt kéo dài từ một tuần đến vài tuần, mỗi năm ho đến 5-6 lần.
Tính chất của đờm thường có màu trắng, lỏng hoặc đặc quánh, đôi khi có bọt. Bệnh càng kéo dài thì gây ho càng nhiều, đờm ngày càng đặc hơn và đổi màu (thường là màu vàng). Càng ngày ho càng tăng lên và số lượng đờm cũng tăng dần, kéo theo bệnh cũng càng nặng hơn.
Ở giai đoạn muộn hơn của viêm phế quản mạn tính thường có khó thở. Lúc đầu người bệnh chỉ mới cảm thấy nặng ngực, dần dần là khó thở thực sự. Bệnh càng lâu và càng nặng thì sự thiếu hụt không khí càng nhiều, gây rối loạn chức năng hô hấp một cách đáng kể. Do đó, người bệnh luôn thiếu dưỡng khí gây nên mệt mỏi, sụt cân, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương (tim đập nhanh, mệt mỏi, buồn ngủ…).
Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên suy hô hấp.

Phòng bệnh viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hiệp, một số thói quen như nghiện thuốc lá, thuốc lào nên bỏ càng sớm càng tốt. Nếu chưa có điều kiện dùng bếp ga, bếp điện thì cần cải thiện việc dùng bếp than, củi, rơm rạ bằng cách dùng loại bếp ít khói. Nhà ở cần thông thoáng để tránh hiện tượng khói bếp ứ đọng nhiều giờ, không khí không được lưu thông. Cùng với cộng đồng tích cực tham gia hoặc vận động mọi người trong gia đình, làng xóm, dân phố vệ sinh môi trường sống càng sạch, càng ít bụi càng tốt. Khi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh. Nếu bị viêm đường hô hấp cần được khám và điều trị dứt điểm không để bệnh trở thành mạn tính.
Cần tập thể dục thường xuyên để điều hòa nhịp thở như: hít thở, đi bộ, chơi thể thao. Tập thể dục và chơi thể thao là phải tùy theo sức của mình, không nên gắng sức tập quá khả năng hoặc quá sức lực của mình và phải tập theo bài bản.
Chế độ ăn cần nhiều trái cây và rau xanh sẽ cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra các loại vitamin như vitamin C, E, A, có tác dụng làm giảm tình trạng viêm ở phế quản, tình trạng khó thở của bệnh nhân. Các loại hoa quả, rau xanh giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt tốt cho bệnh nhân viêm phế quản được bác sĩ khuyên dùng như dâu tây, các loại quả mọng, bông cải xanh, rau bina và cà rốt.
Nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như gạo, bột mì, ngũ cốc, các thực phẩm khác như đậu Hà Lan, sữa bò, sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà. Các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin D, canxi, và protein là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể.
Những người bị viêm phế quản thường dễ bị mất nước hơn so với những người bình thường, nên uống nhiều nước sẽ giúp giảm tình trạng viêm, tình trạng khô họng của bệnh nhân.
Thành An