Nguyễn Duy Tường

        Trong cuộc đời cầm bút của mình, tôi có may mắn được giúp nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trung tướng - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đồng Sĩ Nguyên, thể hiện trọn bộ ba cuốn hồi ký của ông với hơn một nghìn rưỡi trang viết. Cũng vì vậy, tôi có điều kiện tiếp cận, hiểu được phần nào chân dung, cuộc đời của ông. Nhưng, để khái quát về đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, xin được dẫn lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị Tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ … Đồng chí đã có công lao lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh…” (trích Lời tựa, Đại tướng viết cho cuốn hồi ký “Trọn một con đường” của đồng chí Đống Sĩ Nguyên”).

         Toàn bộ cuộc đời ngót một thế kỷ của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc. Ở mỗi cương vị công tác, ông đều có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng; tuy nhiên nói đến Đồng Sĩ Nguyên, không chỉ đông đảo người dân trong nước, mà nhiều người nước ngoài vẫn khẳng định tên ông gắn liền với đường Trường Sơn; ông là “linh hồn” của đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Vì vậy, bộ phim chân dung của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên được Bộ Quốc phòng thực hiện cũng có tên là “Vị Tướng với đường Trường Sơn huyền thoại”.

       Nghiên cứu về lịch sử đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta biết đồng chí Đồng Sĩ Nguyên không phải là người chỉ huy mở đường Trường Sơn vào buổi “khai sơn phá thạch”, mà ông là người có công lớn trong việc thay đổi thế trận Trường Sơn; vận dụng sáng tạo tư tưởng cách mạng tiến công của Đảng ta vào chiến trường Trường Sơn; xây dựng, tổ chức tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn thành một chiến trường tổng hợp; đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển; thực hiện xuất sắc sứ mệnh cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và cả chiến trường Nam Đông Dương; thực hiện ý chí, khát vọng, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong thế kỷ XX.

        Từ năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên chiến trường miến Nam Việt Nam; đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại với  cường độ ngày càng ác liệt đối với miền Bắc. Để đáp ứng yêu cầu chi viện chiến trường miền Nam đánh to, thắng lớn, tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn đã có bước phát triển mạnh về lực lượng, cơ sở hạ tầng đướng sá; từ vận tải thô sơ gùi thồ là chủ yếu, chúng ta chuyển lên tổ chức vận tải cơ giới kết hợp với vận chuyển thô sơ.

       Tuy nhiên, đối đầu với chiến lược chiến tranh ngăn chặn với quy mô lớn và tiềm lực công nghệ quân sự tối tân, thực hiện những thủ đoạn thâm độc, tàn bạo của đế quốc Mỹ, cộng với thời tiết địa bàn Trường Sơn vô cùng khắc nghiệt, nên sau một mùa khô (1965 - 1966) tổ chức vận tải cơ giới, bộ đội Trường Sơn đã chịu tổn thất nặng nề; chưa đáp ứng được yêu cầu chi viện chiến trường.  

      Trước tình hình đó, đã xuất hiện tư tưởng phòng tránh tiêu cực, thậm chí có quan điểm nên quay về tổ chức vận tải thô sơ, “chậm nhưng chắc”…

       Để tháo gỡ khó khăn cho tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn, một mặt Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nghiên cứu điều chỉnh về chỉ đạo, chỉ huy, một mặt điều động tặng cường cho Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn những cán bộ tài ba, giàu kinh nghiệm.

     Là người con ưu tú của “Đất lửa” Quảng Bình, lăn lộn, trưởng thành từ thực tiễn chiến đấu, từng đảm nhiệm cương vị Tổng tham mưu phó, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương (Nam Khu 4), đồng chí Đồng Sĩ Nguyên được tin tưởng giao làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 từ cuối năm 1966.

     Thấm nhuần tư tưởng tiến công cách mạng của Đảng, với tác phong chỉ huy thực sự thực tế, đặc biệt là tài năng, nhãn quan chiến lược của một tướng lĩnh tài ba, sau một thời gian ngắn thị sát chiến trường, huy động cao độ trí tuệ tập thể Bộ Tư lệnh Đoàn 559, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã nắm bắt được những thế mạnh cơ bản và điểm yếu tạm thời của ta cũng như điểm mạnh tạm thời và cái yếu bản chất của kẻ địch trên chiến trường Trường Sơn. Từ đó, ông khẳng định tư tưởng chỉ đạo của Tuyến chi viện chiến lược là tư tưởng tiến công, là “Đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển”. Với ông, khi đối phương đã thay đổi chiến lược, nếu chúng ta vì tổn thất bước đầu mà quay về với vận tải thô sơ thì vận chuyển hàng hóa không đủ nuôi bản thân, chứ đừng nói chi viện cho chiến trường. Bởi vậy tổ chức vận tải cơ giới quy mô lớn là con đường phát triển tất yếu, là yếu tố sống còn của Tuyến chi viện chiến lược.

     Vận dụng tư tưởng tiến công và nghệ thuật quân sự của Đảng vào thực tiễn chiến trường, khắc phục tư tưởng phòng tránh tiêu cực, để vận tải cơ giới quy mô lớn thành công, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên khẳng định phải tổ chức chiến trường Trường Sơn thành một chiến trường tổng hợp; các lực lượng trên tuyến phải chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong thế trận hiệp đồng binh chủng. Theo đó, các trận địa phòng không được thiết lập ngay trên trọng điểm đánh phá của địch, phải “quay nòng pháo theo bánh xe” để đánh địch, bảo vệ đội hình vận tải; bộ binh, công binh  bám sát đội hình vận chyển, bám trọng điểm…, để xe chuyển hàng trong thế trận hiệp đồng binh chủng, không “đơn thương độc mã, lạnh lưng hở sườn”. Thông tin chỉ huy bảo đảm đồng bộ, liên tục, kịp thời...

       Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên cũng là người nắm vững quy luật thời tiết, đặc điểm khí hậu Trường Sơn và khái quát: “Có khi địch đánh không bằng trời đánh”. Để khắc phục địch đánh và trời đánh, phải nhanh chóng “Đá hóa mặt đường”; mở đường chính, đường phụ, đường tránh, đường nhánh; kiên quyết xóa thế độc đạo. Từ vận chuyển ban đêm đến tổ chức ô tô chạy lấn sáng, lấn chiều; rồi làm đường kín, tiến tới chủ động đánh địch, để chạy ngày…

       Từ đơn thuần đường bộ, kết hợp vận tải đường sông, xây dựng tuyến đường ống xăng dầu nối từ hậu phương miền Bắc đến miền Đông Nam Bộ, đường dây thông tin tải ba… Biến thế trận cầu đường Trường Sơn thành “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, buộc kẻ thù mặc dù đã dùng trăm phương nghìn kế, huy động tối đa vũ khí, khí tài hủy diệt với trình độ công nghệ cao… cũng hoàn toàn thất bại.

       Huy động tối đa trí tuệ, sức mạnh tổng hợp; được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự chi viện của cả nước, chỉ sau một thời gian ngắn vào tuyến, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã cùng tập thể Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tổ chức, chỉ huy các lực lượng trên tuyến đảo ngược thế trận Trường Sơn, thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường.

    Với những cống hiến lớn lao trong tổ chức, chỉ huy chiến trường, năm 1974 đồng chí Đồng Sĩ Nguyên được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

       Bảo đảm cho chiến trường miền Nam và chiến trường Nam Đông Dương bước vào giai đoạn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã xây dựng được hệ thống đường vận tải và hành quân cơ giới với tổng chiều dài gần 17.000km, với nhiều trục dọc, trục ngang nối từ miền Bắc vào tới các chiến trường miền Nam, Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia. Đồng bộ với đường vận tải cơ giới là hệ thống đường giao liên, đường dây thông tin và trên 1.400km đường ống xăng dầu. Lực lượng binh chủng hợp thành thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn giai đoạn cuối của chiến tranh đã phát triển lên hơn 9 sư đoàn. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã đề nghị Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng cho thành lập 2 sư đoàn vận tải ô tô. Đây là một sáng tạo, chưa có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh thế giới.

     Với binh hùng tướng mạnh, cơ sở đường sá… phát triển đồng bộ; đặc biệt là với hơn hai sư đoàn vận tải ô tô… là nhân tố quyết định để tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bảo đảm cho Bộ Thống soái tối cao của ta thực hiện được tư tưởng “Thần tốc, quyết thắng”, giành thắng lợi vang dội trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.

        Đường Trường Sơn không chỉ là con đường nối liền Nam - Bắc, thống nhất nước nhà mà còn là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta, là minh chứng cho tầm nhãn quan chiến lược của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên - một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta. Từ năm 1973, trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã khẳng định “Cột mốc số O  Đường Hồ Chí Minh không phải ở Tân Kỳ (Nghệ An), mà Đường Hồ Chí Minh sẽ kéo dài từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Cà Mau đất mũi”... Ông cũng cho rằng: “Một quốc gia không bao giờ bó mình trong thế độc đạo”. Với nhãn quan chiến lược đó, và nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đền đáp công lao của nhân dân một dải miền Tây Tổ quốc, các vùng chiến khu xưa…, sau này trên cương vị Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Cố vấn cao cấp của Chính phủ…, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người kiên trì đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa. Đến nay, con đường thống nhất Bắc - Nam, con đường tương lai giàu có của Đất nước ta đã hiện hữu, nối dài từ Pắc Bó đầu nguồn tới Cà Mau đất mũi.

     Năm tháng sẽ qua đi, nhưng quyết tâm mở đường Trường Sơn và thực hiện thành công quyết tâm đó là một thành công kiệt xuất trong chỉ đạo chiến tranh giải phóng của Đảng và Bác Hồ. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi là một kỳ tích của Dân tộc ta trong thế kỷ XX. Tên tuổi đồng chí Đồng Sĩ Nguyên sẽ sống mãi với đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại; sống mãi trong tình cảm của những người lính, những nam nữ Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã một thời cùng cả Dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ông rất xứng đáng được dựng tượng đài trên con đường mang tên Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

                                                       Viết trong những ngày tiễn biệt Bác Nguyên.

                                                                                     N.D.T