Vợ ông - bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, cũng chỉ kém ông vài ba tuổi, song vẫn giữ được nét đẹp thời con gái. Mái tóc đốm bạc được búi gọn sau gáy, đôi mắt lá răm và nụ cười hồn hậu, dịu dàng. Năm 1951, ông Phan Khắc Hy đang làm tỉnh đội trưởng Quảng Bình thì được điều vào tăng cường cho Mặt trận Bình Trị Thiên. Đồng chí Trần Quý Hai - Tư lệnh mặt trận và đồng chí Chu Văn Biên - Chính uỷ quyết định giữ ông lại làm phái viên của bộ chỉ huy. Ở cơ quan mặt trận, ông gặp cô Lan, lúc đó là nhân viên của Phòng Chính trị. Cô gái có khuôn mặt trái xoan hiền dịu, vóc dáng thon gầy, mới gặp lần đầu đã khiến trái tim ông "loạn nhịp".

  • Người ta gọi tình yêu của hai bác là tình yêu sét đánh đấy ạ!

Nghe tôi nói, vậy ông cười bảo:

  • Nói thế thôi chứ lúc đầu tôi tiếp cận cô ấy khó lắm. Tôi đi chiến dịch thường xuyên, mỗi khi về cơ quan bộ, tôi sang thăm mà cô ấy cứ tránh mặt. Tôi viết thư gửi cho cô ấy, nhận được hồi âm thì quá ngắn gọn, lại khô khan. Dần dần tôi cũng hiểu, đó là tâm lý e dè của người con gái mới lớn, lại sống xa gia đình và tôi coi đó là một thử thách nên lòng càng quyết tâm. Cuối cùng thì sự chân thành của tôi cộng với tình đồng chí, đồng hương Hà Tĩnh, tình cảm giữa hai chúng tôi đã nảy nở và ngày càng sâu sắc. Tình vừa bén, lửa vừa nồng thì tôi được điều động xuống làm Phó chính uỷ Trung đoàn 18, Đại đoàn 325. Ngày 9-11-1952, nhân dịp tôi về cơ quan Mặt trận dự tổng kết chiến tranh du kích, Bộ chỉ huy đã tổ chức thành hôn cho chúng tôi. Chủ hôn là Tư lệnh Trần Quý Hai, cùng với sự tham dự của đại biểu các trung đoàn. Thỉnh đội và anh chị em ở cơ quan mặt trận. Chính uỷ Chu Văn Biên nhường căn nhà lợp lá đơn sơ bên bờ suối để hai vợ chồng chúng tôi hưởng tuần trăng mật. Sống với nhau được năm ngày, tôi có lệnh ra Việt Bắc dự lớp chỉnh huấn sáu tháng. Buổi chia tay hôm ấy thật bịn rịn, trời đổ mưa tầm tã...

Chiến tranh nối tiếp chiến tranh hết chống Pháp rồi lại chống Mỹ, vợ chồng quân nhân nên thời gian sống bên nhau chẳng được là bao. Cưới nhau năm 1952, mãi bốn năm sau bà mới sinh cho ông người con trai đầu lòng và sau đó hai người con gái lần lượt ra đời. Tình yêu và nỗi nhớ qua những lá thư vượt bom đạn trở thành niềm vui, nguồn an ủi khích lệ vợ chồng ông vượt qua những tháng ngày xa cách. Trong một bức thư, ông đã động viên bà thế này: " Vui lên em, vượt qua hết hỡi người bạn lòng, người đồng chí của anh ơi. Tình ta đẹp khi gặp nhau, và sau mỗi chặng đường đi tự thấy mình vững bước...". Còn bà thì: "Gửi anh tất cả yêu thương trung thành, nồng hậu. Gửi anh tất cả cuộc đời và ý nghĩ của em - người vợ, người đồng chí của anh".

Cuộc sống trong chiến tranh gian khổ, thiếu thốn , lại phải xa chồng, nhưng bà vẫn không một lời than vãn. Bà viết cho ông: "Vắng anh nhưng em sẽ can đảm sống, xa anh nhưng em tìm thấy niềm vinh dự trong những ngày chờ đợi, để rồi được sự nghiệp quang vinh, hạnh phúc tươi đẹp". Ngay cả khi vì quá vất vả, ăn uống kham khổ, sức khoẻ yếu quá bị sảy thai, bà cũng không viết trong thư để tránh cho ông khỏi buồn và lo lắng mà ảnh hưởng đến công tác. Có chăng những lúc gian khó ấy bà chỉ tâm sự với riêng mình trên những trang nhật ký: "Đau mấy hôm ni, thấy lo ngại cho sức khoẻ và công tác. Những lúc này vắng anh, chán nản và cảm thấy yếu ớt trong công việc đấu tranh tư tưởng", nhưng rồi bà lại "tự kiểm điểm mình ngay"...

Có thể nói, cuộc đời của bà là những năm tháng lao động, học tập phấn đấu không ngừng. Sau khi tập kết ra Bắc, bà tiếp tục theo học bổ túc văn hoá. Năm 1963, bà thi đỗ vào Trường đại học Y Hà Nội - ngành Nhi khoa. Vừa đi làm vừa đi học, một nách ba con thơ, lại chăm sóc hai mẹ già, nhưng những lá thư của bà gửi cho ông không một lời kêu ca, phàn nàn, mà chỉ ngập tràn yêu thương nhung nhớ: "Em hiểu rằng nhiệm vụ nặng nề hơn. Thương yêu anh tha thiết và tự hào hơn. Em đủ nghị lực chịu đựng tất cả mọi thiếu thốn. Em không trách và không nghĩ mình thiệt thòi vì đã tìm thấy ý nghĩa cao cả của cuộc đời mình. Chỉ mong một điều anh hãy vững tâm công tác...". Bà xác định rõ: "Kháng chiến còn dài, ngày được đoàn tụ còn xa, nhưng không thể buồn lo, không thể nghĩ đến thiệt thòi. Những ngày sống ngắn ngủi bên anh, em thấy rõ thêm giá trị của tình yêu trong nhiệm vụ, đẹp đẽ và hạnh phúc".

Năm 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn quyết định, ông khi ấy là Phó tư lệnh Đoàn 559, chiến đấu ở tuyến lửa Trường Sơn, thì bà nhận được quyết định sang Tiệp Khắc học cao học chuyên ngành nuôi dạy trẻ. Đối với bà, đây là quyết định vô cùng khó khăn. Bà lên đường với một nỗi lo đeo đẳng, không biết khi về có gặp lại ông không. Ngày chiến thắng, cả dân tộc hân hoan trong niềm vui đoàn tụ thì bà chỉ được tận hưởng không khí của ngày hội non sông qua những lá thư của ông: "Em yêu! Chắc em không ngờ ngày 7-5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng...

Nhiều cảm xúc đặc biệt... Anh sẽ ghi lại nhật ký 2 tháng qua để sau này em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó…”

Bao nhiêu năm biền biệt công tác, gánh nặng gia đình trút cả lên vai người vợ tảo tần, ba người con do bà dày công dạy dỗ đều thành đạt trong sự nghiệp và có gia đình riêng hạnh phúc, trở thành niềm tự hào của ông bà. Vì thế mà lúc nào ông cũng canh cánh niềm ơn nghĩa với người vợ của mình. Ông viết cho bà: " Em yêu của anh! Có một điều anh chưa hề nói với em: Em của anh đã lớn lên rất nhiều, rất thuỷ chung, rất dịu hiền...Anh phục em có nghị lực. Anh tự hào vì có được người vợ như em..."

Tôi hỏi ông rằng tại sao những bức thư tình của ông lại nồng nàn cảm động đến thế, ông cười bảo: "Những người lính chúng tôi yêu mãnh liệt như thế đấy. Có như vậy khi ra trận, đối mặt với quân thù, trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, chúng tôi mới sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc, cho hạnh phúc của mình và cho đồng bào". Quả vậy, hơn 500 bức thư được viết trong chiến tranh của Thiếu tướng Phan Khắc Hy và vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, không chỉ là kỷ vật tình yêu vô giá của ông bà mà qua đó, lý tưởng, lẽ sống, tình yêu, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của cả một thế hệ đã hiện lên sinh động và cao đẹp vô cùng...

Vân Hương