Ăn thịt bạn tình là đặc tính khá độc đáo của một số loài động vật bậc thấp. Giới khoa học đưa ra hai giả thuyết về hiện tượng này. Giả thuyết thứ nhất cho rằng con đực chấp nhận bị ăn thịt để tăng cơ hội giao phối và kéo dài thời gian giao phối, còn giả thuyết thứ hai khẳng định hành động hy sinh của con đực là “khoản đầu tư cuối cùng” cho thế hệ sau.
Một nghiên cứu mới đây, do các nhà khoa học của Đại học Hamburg tại Đức thực hiện, cho thấy hành động ăn thịt bạn tình ngay sau khi giao phối của hai loài kể trên có tác dụng làm cho những con con sinh ra được khỏe mạnh hơn, *Livescience *cho biết.
Nhóm nghiên cứu sử dụng những con nhện Argiope bruennichi để tiến hành thí nghiệm. Ở loài này, nhện đực bé hơn và khối lượng cơ thể chỉ bằng khoảng 1/10 so với nhện cái. Khi cuộc giao hoan bắt đầu, nhện cái thường tóm chặt nhện đực để chúng có thể xơi tái bạn tình sau đó. Trong phòng thí nghiệm, chỉ có 30% số nhện đực sống sót sau lần giao phối đầu tiên. Những con đực bị ăn thịt vẫn cố gắng giao hoan trong lúc nhện cái gặm nhấm cơ thể chúng, nhờ đó thời gian giao hoan diễn ra lâu hơn. Thời gian giao phối càng dài thì khả năng thụ tinh thành công của nhện đực càng cao.
Trong số những con đực sống sót sau lần giao phối đầu tiên, khoảng 50% vẫn tìm cách giao phối với bạn tình cũ trong lần giao phối thứ hai. Mỗi con nhện đực chỉ có thể giao phối tối đa hai lần trong đời.
Để xem hành vi ăn thịt nhện đực mang đến lợi ích về dinh dưỡng cho nhện cái hay không, nhóm nghiên cứu lại chia nhện cái thành ba nhóm rồi cho chúng giao phối với một, hai hoặc ba con đực. Nhóm nghiên cứu để một nửa nhện cái ăn thịt bạn tình, song can thiệp để một nửa nhện cái còn lại không kịp xơi tái nhện đực sau khi giao phối.
Sau đó họ phân tích trứng của hai nhóm nhện trên. Kết quả cho thấy trứng của nhóm được ăn thịt bạn tình có khối lượng lớn hơn. Khi thử nghiệm khả năng sinh tồn của những con con trong điều kiện khắc nghiệt bằng cách để chúng vào môi trường có nhiệt độ lạnh dưới 8 độ C và bỏ đói 20 ngày, nhóm chuyên gia thấy khả năng sống sót của những nhện con có bố "hy sinh" cao hơn hẳn.
Kết quả cũng cho thấy việc nhện cái ăn hai hoặc ba nhện đực không tạo nên bất kỳ sự khác biệt nào so với việc ăn một con.
Quỳnh Anh (TH)