Bị tước giấy phép lái xe và học lại

Theo Nghị định, trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB, người vi phạm không được điều khiển các loại phương tiện ghi trong GPLX, nếu bị tước có thời hạn 60 ngày thì phải học và kiểm tra lại Luật trước khi nhận lại GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB; nếu tước không thời hạn thì GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB không còn giá trị sử dụng. Sau thời hạn 12 tháng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB không thời hạn, lái xe mới được làm các thủ tục để được đào tạo, sát hạch cấp mới GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4mg/lít khí thở; mức phạt từ 4 đến 6 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn hoặc không thời hạn.

Còn đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/ lít khí thở sẽ bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng và phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng nếu trong cơ thể có chất ma tuý.

Phạt nặng hành vi nghe điện thoại khi điều khiển xe máy

Phạt tiền từ 40 đến 60 ngàn đồng nếu người điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động, người ngồi trên xe sử dụng ô. Phạt tiền từ 100 đến 200 ngàn đồng nếu người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông đường bộ.

Hành vi không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách cũng được quy định đối với xe đạp máy với mức phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng. Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô, điện thoại di động; người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô còn bị phạt tiền từ 60 đến 80 ngàn đồng…

Điều đáng chú ý là nếu không cứu giúp người bị tai nạn giao thông; ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn trên đường bộ… sẽ bị phạt tiền từ 300 đến 500 ngàn đồng.

Tăng mức phạt thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Nghị định mới sẽ áp dụng tăng mức phạt thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với một số hành vi vi phạm phổ biến mà người tham gia giao thông thường mắc phải và có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông nghiêm trọng và thực hiện thí điểm trong thời gian 36 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.

Chẳng hạn như người điều khiển ô tô có thể bị phạt tiền từ 300 đến 500 ngàn đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường, không tuân thủ quy định về nhường đường nơi giao nhau; phạt từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng nếu đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau theo quy định, trừ trường hợp đỗ xe tại vị trí quy định được phép đỗ xe; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước; điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi về bên phải phần đường xe chạy; để người ngồi trên buồng lái quá số lượng quy định…

Phạt tiền từ 1 đến 1,4 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô nếu điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa tới mức 50 đến 80mg/100 ml máu; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông…

Người đi xe đạp trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt nếu không đi đúng đường của mình, để xe ở lòng đường có thể bị phạt tới 200 ngàn đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu xe. Còn người đi bộ vi phạm một số hành vi áp dụng riêng trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt sẽ bị phạt tới 80 ngàn đồng nếu vượt qua dải phân cách, đi không đúng làn đường quy định, đi qua đường không đúng nơi quy định…

Nghị định này không chỉ đối với người dân mà từng CCB, CQN chúng ta cần nắm chắc những quy định về an toàn giao thông để thực hiện tốt và nhắc nhở chính gia đình, người thân của mình, địa phương… cùng thực hiện tốt Luật An toàn giao thông. An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà.

*Bài và ảnh: *QUỐC HUY