Lý giải về thành tích này, Đại tá Hà Thanh Tịnh - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 649 cho biết: Đây là hệ quả của nhiều yếu tố, trong đó đặt lên hàng đầu là yếu tố con người; đồng thời từng bước đổi mới trang bị bảo đảm tốt về kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động vận tải.
Vận tải quân sự, nhất là công tác vận chuyển bảo đảm cho Trường Sa là điều kiện thử thách rất lớn đối với phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, sức khỏe, tinh thần đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của cán bộ, thuyền viên. Do vậy, để có đội ngũ cán bộ, thuyền viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài, đòi hỏi phải xây dựng thường xuyên và công phu. Đại tá Hà Thanh Tịnh dẫn giải: Một sĩ quan hải quân hoặc trưởng ngành máy, lái tàu sau khi tốt nghiệp ra trường phải trải qua 5 đến 7 năm mới được bổ nhiệm thuyền trưởng, máy trưởng hoặc lái trưởng… Mặt khác, quá trình sử dụng đòi hỏi phải bố trí xen kẽ giữa các thế hệ để có những kíp thuyền viên phù hợp nhất, bổ khuyết được những điểm yếu của nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
“Thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ đã cho chúng tôi những kinh nghiệm hay, trong đó phải kể đến việc kết hợp chặt chẽ việc huấn luyện, tập huấn tại chức với việc cử cán bộ, thuyền viên đi học ở các trường trong và ngoài quân đội. Loại hình trường lớp cũng đòi hỏi phong phú theo từng chuyên ngành kỹ thuật tàu thuyền. Trong sử dụng, để tạo chất lượng đồng đều thì việc điều chuyển nhân lực nội bộ theo định kỳ hằng tháng là rất cần thiết. Qua đó, việc quản lý khai thác chủng loại phương tiện tàu thuyền của đội ngũ cán bộ, thuyền viên ngày càng toàn diện và hiệu quả hơn…” - Đại tá Hà Thanh Tịnh khẳng định.
Trong điều kiện tàu thuyền hoạt động trên biển xa đất liền, xa hậu phương, để người, phương tiện và hàng hóa được an toàn tuyệt đối thì công tác bảo đảm kỹ thuật là một trong những khâu then chốt nhất. Tàu thuyền và các trang thiết bị phải có độ an toàn kỹ thuật cao, có đủ nhiên liệu và vật tư thiết yếu dự phòng. Thiếu tá Vũ Thế Hùng - Thuyền trưởng
tàu 51-11-65 chia sẻ: Công tác vệ sinh tàu, bảo quản hàng hóa, bảo quản trang thiết bị tàu luôn được chúng tôi tiến hành nền nếp cả khi tàu hoạt động cũng như khi neo đậu tại cảng. Sau mỗi chuyến hành quân thực hiện nhiệm vụ, ngay khi tàu cập bến, cán bộ, thuyền viên tập trung bốc xếp hàng hóa rồi tiến hành đồng bộ công tác kiểm sửa, bảo quản, bảo dưỡng toàn bộ máy móc trang thiết bị trên tàu. Những hỏng hóc nhỏ được tiến hành sửa chữa và bảo dưỡng ngay. Những hỏng hóc lớn sẽ báo cáo lên trên theo phân cấp để kịp thời khắc phục.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có yếu tố về con người và công tác bảo đảm kỹ thuật, từ năm 2013 đến nay, Lữ đoàn 649 đã thực hiện hàng trăm chuyến vận chuyển Bắc-Nam; đặc biệt, hàng chục chuyến vận chuyển cho Trường Sa với khối lượng trên 160.000 tấn hàng hóa và hơn 3.000 lượt người đến các vùng biển đảo của Tổ quốc. Có những chuyến tàu hoạt động dài ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng chưa để xảy ra sự cố hỏng hóc kỹ thuật nào ảnh hưởng đến nhiệm vụ vận chuyển của đơn vị. Các tàu của Lữ đoàn 649 còn tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và sẵn sàng chiến đấu trên biển đảo, tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn…
Đến nay, Lữ đoàn 649 đã trải qua cả một chặng đường phấn đấu gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ. Trong hành trình đó, những cái tên như: Tiểu đội xuồng máy đẩy, Đội 26B, Đội ca nô Hồng Hà, Đoàn Hồng Hà đến Lữ đoàn 649 không chỉ khiến kẻ thù nhụt chí mà ngày càng trở nên thân thiện, gần gũi, gắn bó sâu đậm trong lòng những người lính hậu cần và nhân dân nơi bộ đội vận tải Lữ đoàn 649 chiến đấu, công tác hay đi qua. Với những thành tích tiêu biểu trong công tác, xây dựng, chiến đấu, Lữ đoàn 649 được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng cao quý trong đó có Danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Duy Quang