Giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp ra đời với tên gọi V-Leaguetừ mùa giải 2000-2001. V-League đánh dấu những thay đổi mang tính cách mạng như doanh nghiệp đầu tư làm bóng đá cùng sự xuất hiện của các ông bầu đứng sau đội bóng. Nhờ đó, các cầu thủ cũng chuyên tâm thi đấu khi mức thu nhập nuôi sống được bản thân và gia đình.
Trước mùa giải 2002, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của HAGL gây tiếng vang lớn khi mua về chân sút Thái Lan nổi danh Đông Nam Á khi đó là Kiatisuk. Lên hạng V-League ngay mùa 2002, HAGL lập tức giành chức vô địch V-League hai năm liên tiếp, 2003 và 2004, nhờ sự toả sáng của Kiatisuk và những đồng đội đến từ Thái Lan. Sau thành công của bầu Đức, tới lượt Đồng Tâm của bầu Thắng. HLV đến từ Bồ Đào Nha Calisto có sự kết hợp hoàn hảo giữa nội binh và ngoại binh chất lượng cao để đưa đội bóng tỉnh Long An hai lần lên đỉnh V-League mùa giải 2004-2005 và 2005-2006.
Sau thành công của HAGL và Đồng Tâm, học bầu Đức và bầu Thắng, nhiều doanh nghiệp cũng nhảy vào bóng đá. Tuy nhiên, họ bạo chi hơn và thích có thành tích ngay lập tức. Từ năm 2007, V-League chứng kiến sự phát triển nóng bỏng nhất với kiểu làm bóng đá ăn xổi của các vị Chủ tịch CLB mới. Bầu Hiển rót vốn giúp Hà Nội T&T ba năm thăng ba hạng, bầu Trường cùng nhà môi giới Trần Tiến Đại lũng đoạn đẩy giá cầu thủ lên cao, bầu Thuỵ có sở thích mua bán và đổi tên CLB theo từng mùa giải.Những kiểu chơi ngông của vài ba ông bầu ảnh hưởng lớn tới đội bóng, cầu thủ và cả nền bóng đá. CLB đánh mất bản sắc, có thể mua bán, đổi tên dễ dàng, triệt tiêu lượng CĐV trung thành. Cầu thủ bị định giá sai, ảo tưởng, chịu sự chi phối hoàn toàn của đồng tiền, dễ dàng sa vào tệ nạn. Từ hai năm nay, cùng với khủng hoảng kinh tế, V-League bắt đầu xì hơi, cũng xuất phát từ việc các ông bầu tháo chạy.
Theo nhà báo - cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải, lúc này các ông bầu lộ mặt là những người chỉ lợi dụng bóng đá để trục lợi. “Các hứa hẹn về cơ chế, đất đai của địa phương khiến các ông bầu mạnh tay đầu tư vào bóng đá nhưng khi những điều này không còn thì họ dễ dàng dứt áo ra đi để lại hậu quả cho cả nền bóng đá phải hứng chịu”, ông Hải khẳng định.
Đau xót chứng kiến thời kỳ rối ren, ông Hải tiếc nuối về cơ hội bị bỏ lỡ để nâng tầm bóng đá Việt Nam. “Vài năm trước, khi cơ chế nhà nước thuận lợi, nguồn lực xã hội dồn vào, người hâm mộ ủng hộ nhưng VFF không tận dụng được. VFF đã bỏ lỡ thời cơ quý giá để phát triển bóng đá Việt Nam. Họ không theo kịp những diễn biến của thời thế mà để lỏng quản lý. Các ông bầu thoải mái tác oai tác quái, người thì dễ sở hữu hai đội bóng trong cùng một giải đấu, vị thì mua bán đội bóng như mớ rau, miếng thịt”, ông Hải phân tích.
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải từng chơi bóng cho Thể Công và ông tỏ ra bất lực nhìn cảnh các CLB lâu đời như Thể Công, Cảng Sài Gòn, Hải Quan, CAHN và mới đây là Khánh Hoà bị xoá sổ. “Khi các ông bầu tham gia bóng đá, cần có những ràng buộc cụ thể với họ, ví dụ như cam kết thời hạn gắn bó với bóng đá, đầu tư vào cơ sở vật chất, sân bãi, nhà tập luyện cho VĐV, đào tạo trẻ. Ngoài ra, chế tài xử phạt nếu ông bầu tự ý bỏ cuộc chơi trước thời hạn cũng phải được nêu rõ. Những điều này không có gì là mới mẻ bởi những nước trong khu vực đã áp dụng từ lâu. Chúng ta chỉ cần học theo họ nhưng cũng không làm được”, ông Hải cho biết.
Nguồn lực đầu tư suy kiệt, đội bóng giải thể, V-League và hạng nhất trước nguy cơ đổ vỡ buộc VPF phải tìm cách chữa cháy. Tuy nhiên, sáng kiến mới của VPF về việc đưa đội U22 Việt Nam vào V-League 2013 và quy định không có đội xuống hạng cũng bị phản đối.
Cùng quan điểm với ông Vinh, HLV Vương Tiến Dũng cũng khẳng định chuyện tiêu cực rất dễ xảy ra nếu khi cầu thủ U22 không đá hết sức khi gặp đội bóng của địa phương mình. “Tình trạng mua bán điểm hoặc U22 trở thành ngân hàng điểm có thể xảy ra nếu đội này chỉ có mục tiêu là thi đấu cọ xát”, ông Dũng phân tích.
Quỳnh Anh (TH)