Nhưng có những vết thương của chiến tranh không có một tượng đài nào khắc họa nổi, đó là vết thương chất độc da cam. Nó âm ỷ trong dòng máu người lính từ thế hệ này qua thế hệ khác như một bản sao, minh chứng tội ác của chiến tranh xâm lược được khắc chạm vào con người bằng xương bằng thịt sau chiến tranh với mọi vết thương từ nhiều loại vũ khí tàn khốc của địch. Họ chính là những thương binh. Họ sống không phải để cho người đời tôn thờ mà họ sống đúng nghĩa của một người lính như Bác Hồ đã dạy “thương binh tàn nhưng không phế”. Họ làm ra của cải vật chất cho gia đình và cho xã hội. Họ tìm thấy hạnh phúc cho chính mình và cho con cái họ. Họ đã đứng lên từ nỗi đau thể xác để mang hoa thơm mật ngọt dâng hiến cho đời…
Như vợ chồng anh T là một minh chứng; một người lính trở về từ quân ngũ, ai cũng bảo anh là con người may mắn nhất trong cuộc chiến; bởi suốt tám năm ở chiến trường mà anh vẫn trở về nguyên vẹn. Gia đình, họ hàng và bạn bè vui lắm, ai cũng đến chúc mừng anh. Việc đầu tiên mà anh mơ ước là lấy vợ, sinh con có một mái ấm gia đình, chuyện bình thường của con người sinh ra và lớn lên, dựng vợ gả chồng. Nhưng cái chuyện bình thường đơn giản ấy lại không đến được với anh. Những đứa con của anh chị ra đời đều bị dị tật, không sống nổi vài ngày. Vợ anh từ một cô gái xinh đẹp nhất làng nay trở nên tiều tụy vì đau buồn, chị sống trong hoang mang lo sợ. Nỗi đau tinh thần lẫn vật chất quá lớn khiến cho cả anh và chị nhiều khi muốn quỵ xuống. Khi anh chị đến bệnh viện khám nghiệm thì được bác sĩ thông báo là anh bị nhiễm chất độc da cam. Anh nhớ lại những năm chiến tranh anh ở chiến trường, máy bay Mỹ đã rải hàng nghìn tấn thuốc phát quang xuống nơi trú quân của ta. Anh và đồng đội vẫn thường nói với nhau: “bom đạn chẳng ăn thua gì, còn mấy loại thuốc diệt cỏ này thì chúng dọa được ai”. Chính cái không dọa được ai đó đến hôm nay mới thấm nỗi đau còn hơn bom đạn. Từ bệnh viện về, anh nói với chị: “Thế là anh không thể mang hạnh phúc cho em được rồi; cái ước mơ bình thường nhất của anh cũng đã bị chiến tranh cướp mất; vợ chồng mình chia tay nhau để em còn có cuộc sống sau này. Còn anh, vết thương vô hình này chẳng có loại thuốc nào chữa trị được. Hãy nghe anh đi em!” Nghe chồng nói chị đã trách anh: “Anh nghĩ em tầm thường đến vậy sao? Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu người con vì nước quên thân. Các anh là một trong những số người may mắn được sống, được trở về với quê hương, bà con thân thích. Vết thương nào cũng có nỗi đau riêng, dù nó hữu hình hay vô hình thì đã là người lính phải chấp nhận nó, sống chung với nó. Hãy biến nó thành niềm vui và lòng kính trọng của người khác đối với mình. Chúng ta mất đi những đứa con, nhưng không có nghĩa chúng ta không có con. Vợ chồng mình sẽ nuôi con nuôi, con nào mà mình nuôi dưỡng dạy dỗ tốt thì cũng đều có hiếu cảû. Anh hãy vui lên mà bước tiếp những năm tháng còn lại, làm sao có ích cho mình và cho xã hội”. Nghe vợ nói vậy lòng anh như được tiếp thêm ngọn lửa. Anh lao vào làm việc. Từ một người đi làm thuê cho hãng đóng tàu, mua phế liệu, dần dần, anh trở thành ông chủ của một doanh nghiệp. Vợ chồng anh chị nuôi hai đứa con nuôi, các con đều đã vào đại học. Hằng năm, anh trích ra một khoản tiền gọi là quỹ từ thiện xây nhà tình nghĩa cho gia đình CCB, thăm nuôi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ tạo việc làm cho con em thương bệnh binh, CCB… Tấm lòng của anh được bà con địa phương và những đồng đội ghi nhận. Nhưng vết thương vô hình luôn giày vò cơ thể anh, muốn anh phải quy hàng nhưng anh vẫn đứng lên thực hiện những gì mà anh và đồng đội đã từng mơ ước khi còn ở chiến trường là: mong cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Anh đã từng nói với vợ: “Chúng ta có được cuộc sống như hôm nay là nhờ những đồng đội đã ngã xuống, để hôm nay được tự do làm giàu trên mảnh đất này. Vợ chồng mình luôn khắc cốt ghi tâm công ơn trời biển của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Một phần lợi nhuận thu được từ công việc làm ăn chính đáng của chúng ta, vợ chồng mình nên nghĩ đến những người đó”.
Những người lính Cụ Hồ năm xưa hi sinh tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ Tổ quốc, hay họ làm thương binh, bệnh binh, vẫn tích cực đóng góp sức lực của mình cho đất nước trên con đường hội nhập. Những con người đó chẳng có tượng đài nào khắc chạm nổi những vết thương vô hình, hữu hình của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại…
Võ Hoàng Nam