Chị Sùng Thị Pà đến từ Hợp tác xã Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đang thực hiện công đoạn vẽ sáp ong trên vải lanh
Mặc cho những ồn ào, náo nhiệt của kẻ mua, người bán trong Hội chợ Hàng thủ công truyền thống vừa diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ Mông đang miệt mài vẽ sáp ong trên vải lanh thu hút sự tò mò của tôi. Chị là Sùng Thị Pà đến từ Hợp tác xã Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Vừa chăm chú vẽ sáp ong chị vừa tâm sự:
- Quy trình vẽ hoa văn sáp ong trên vải mới nghe tưởng như đơn giản nhưng để làm được một chiếc váy hoàn chỉnh, phụ nữ Mông phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian. Đầu tiên, lanh được cắt về phơi khô, đem giã cho mềm rồi mới nối. Trước khi dệt vải, sợi lanh được đem ngâm với tro bếp. Tro bếp phải là tro trắng, đun từ củi nghiến mà thành. Tro bếp càng trắng bao nhiêu thì khi ngâm vỏ lanh càng trắng bấy nhiêu. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp chàm bám chắc hơn khi nhuộm, vải phải được giặt, phơi cẩn thận, sau đó là cho mặt vải bóng mịn.
Tiếp đó là công đoạn chế sáp ong để vẽ. Sáp ong có màu vàng là sáp non, màu đen là lớp sáp già, lấy hết mật rồi nấu mỗi loại một nồi khác nhau cho đến khi nóng chảy, đem đổ ra bát riêng. Lấy một lượng sáp đen vừa đủ, trộn đều với một lượng sáp vàng tương ứng và đặt lên bếp. Khi bắt đầu vẽ sáp lên váy thì nấu hai loại sáp này trộn với nhau để chảy ra. Khi đun sáp, luôn phải giữ lửa đều ở nhiệt độ 70-80 độ, sáp mới không bị khô.
Để vẽ sáp ong lên vải phải dùng bút vẽ. Gọi là bút, nhưng kỳ thực đó là một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, ngòi bút là một lá đồng bé hình tam giác được nẹp vào thanh tre. Ngòi bút càng mỏng, hoa văn vẽ càng đẹp và dễ. Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ. Nếu vẽ sáp ong trên vải, người vẽ dùng một cái lu cở, trên miệng lu cở để một miếng gỗ. Miếng gỗ là một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ. Vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn. Vẽ xong hoa văn thì bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được nhuộm chàm, phơi nắng.
Vẽ hoa văn sáp ong được lưu truyền theo đường mẹ truyền con nối. “Đã là con gái Mông khi còn ở nhà bố mẹ ai cũng phải biết trồng lanh, dệt vải, se lanh in sáp, rồi làm thổ cẩm; còn nếu không biết trồng lanh dệt vải, không biết se lanh thì người phụ nữ đấy chưa phải là người phụ nữ Mông” - chị Pà cho biết.
Những sản phẩm: Váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp... thêu, trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác, tạo nên sự linh hoạt, khác biệt của người Mông Hoa và bản sắc riêng biệt không hề lẫn lộn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác.
Vũ Minh