Miếu được người, dân xây lên từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Nghe nói dưới chế độ cũ, miếu đã bị địch phá đi phá lại nhiều lần nhưng mỗi lần bị chúng phá xong, bà con lại bảo nhau xây dựng lại. Cho đến ngày nay nó vẫn tồn tại như một chứng tích hào hùng về một người chiến sĩ quân giải phóng mưu trí, dũng cảm, thầm lặng bám trụ và đã lập nên những chiến công vang dội ngay giữa lòng thành phố, làm nức lòng nhân dân cả nước, góp phần đập tan chế độ ngụy quyền tay sai. Đó là anh hùng, liệt sĩ Phạm Văn Lãng (bà con trong Nam thường gọi ông là Phạm Văn Thế) - Người con của quê hương Xuân Ninh đã hiến trọn đời mình cho đất nước để hôm nay, trên khắp mọi miền Tổ quốc rực rỡ cờ hoa.
Phạm Văn Lãng sinh năm 1935, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Xuân Ninh, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Hà (nay là huyện Xuân Trường, Nam Định). Bố là Phạm Văn Vấn, mẹ là Đỗ Thị Bướm. Họ đều là những nông dân nghèo ở vùng đất chiêm trũng, quanh năm lam lũ làm ăn mà cái nghèo vẫn bám riết. Ngay từ khi còn bé, ông đã từng chứng kiến tận mắt những cảnh đàn áp, bắt bớ, đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với người dân vô tội. Hình ảnh những người nông dân năm 1945 thiếu ăn, chết đói, nằm chồng chất lên nhau rải rác khắp nơi đã gieo vào lòng cậu thiếu niên làng Đông Thịnh một nỗi đau đớn, xót thương đồng loại để rồi chính điều đó đã bừng lên trong ông lòng căm thù giặc sâu sắc. Năm 14 tuổi, ông xin vào đội du kích để được trực tiếp đánh giặc. Dáng người nhanh nhẹn vào tháo vát, ông đã được sát cánh cùng các anh chị trong đội du kích xã tham gia nhiều trận đánh chống càn bảo vệ xóm làng. Với những khát khao của tuổi trẻ, ông ngày đêm mơ ước được vươn cao, bay xa như chim đại bàng tung cánh để được cầm súng thỏa sức đánh giặc trả thù cho quê hương. Đội du kích ngày càng trở nên nhỏ bé đối với chàng trai xứ đồng chiêm. Năm 1953, ông xin vào bộ đội và được biên chế chính thức trong đại đội trinh sát độc lập thuộc Trung đoàn 46, Quân khu Hữu Ngạn (nay là Quân khu 3).
Như hổ được trở về rừng, cá được thả về với biển khơi, chàng trai trẻ Phạm Văn Lãng đã nhanh chóng trở thành chiến sĩ trinh sát mưu trí, dũng cảm, luôn đề xuất những phương án trinh sát và cách đánh táo bạo, góp phần cùng đơn vị tiêu diệt hàng ngàn tên địch. Thời gian này thực dân Pháp tăng cường mở rộng những cuộc hành quân đánh phá vào các khu vực đồng bằng nhằm lôi kéo các lực lượng bộ đội chủ lực của ta phải dàn mỏng để đối phó với chúng, hòng cứu vãn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang chết dần từng ngày. Địch có 2 đại đội khét tiếng là tàn bạo và thiện chiến được mệnh danh là “Hổ xám đồng bằng”. Chúng đi đến đâu là gieo nỗi đau thương, chết chóc và kinh hoàng cho người dân ở đó. Phạm Văn Lãng được giao nhiệm vụ trực tiếp đi trinh sát để tìm hiểu và năm quy luật hoạt động của địch. Sau những đêm dài vật lộn với cái rét thấu xương, anh trở về báo cáo tình hình và đề xuất một cách đánh táo bạo ngay vào Bắc Tế, khi chúng đang tập thể dục làm cho địch không kịp trở tay. Trận đó ta tiêu diệt gọn hơn 100 tên, bắt 70 tên, trong đó có 50 sĩ quan, thu nhiều vũ khí mà ta không bị thương vong gì.
Là một chiến sĩ dũng cảm lại đã từng trải qua thử thách và có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ông đã được cấp trên chọn đi học tại Trường sĩ quan Lục quân. Tốt nghiệp vào loại giỏi, ông tiếp tục được chọn vào học khóa huấn luyện đặc biệt của Cục 2 để chuẩn bị bổ sung cho chiến trường miền Nam. Tháng 10-1964, một tin sét đánh giáng xuống đầu ông - người cha thân yêu nơi quê nhà đột ngột qua đời. Nhận được tin, ông ngồi lặng đi hồi lâu. Ông không tin cha mình có thể chết được. Hình ảnh của người cha muôn vàn yêu thương với bao kỷ kiệm không thể phai mờ cứ hiện dần lên trong tâm trí. Trong tai ông như đang vang vọng những lời nói nghe ôn tồn, ấm áp của cha về đạo làm người, về chí làm trai. Bất giác ông thốt lên: Cha ơi!... Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má sạm đen vì sương gió.
Cấp trên cho ông về nghỉ một tuần để chịu tang cha. Đã mấy ngày nay, hầu như không đêm nào ông chợp mắt nổi. Cứ nhìn lên bàn thờ là lòng ông lại quặn đau, xót xa. Bây giờ ông mới hiểu ra là mình đã thực sự mất cha. Ông đau đớn tựa như mình bị cắt mất đi một phần cơ thể mà không bao giờ có thể lấy lại được. Ngày cuối cùng trước khi trở về đơn vị, ông thắp nén hương để tạ tội với cha. Hai bàn tay chắp trước ngực, ông không nói ra thành lời. Ông nói với cha bằng trái tim, bằng tâm can thành kính của một người con trưởng đang day dứt vì chưa làm trọn bổn phận của mình đối với cha mẹ. Nhưng cha ơi! Cha vẫn dạy con rằng “làm trai không thể ngồi trơ mắt ếch nhìn cảnh nước mất nhà tan, thiên hạ điêu tàn”. Giờ nước nhà đang còn bị chia cắt, con phải ra đi chiến đấu nên không thể hàng ngày thường xuyên hương khói cho cha được. Con xin hứa với cha sẽ luôn là một người lính hiên ngang, không chịu khuất phục trước mọi gian lao thức thách, xứng đáng là một người con trung hiếu của dòng tộc họ Phạm. Ngày hôm sau, ông cùng 17 anh em trong đơn vị nhận lệnh lên đường vào Nam chiến đấu.
Đó là một ngày cuối thu năm 1964, tiết trời se lạnh. Rừng Trường Sơn bạt ngàn chằng chịt những dây leo như muốn níu chân các anh lại. Vượt qua bao đèo dốc chênh vênh, đêm bán vào nhau hành quân, ngày mắc võng dưới gốc cây rừng tranh thủ nghỉ. Cứ như thế ròng rã suốt gần 5 tháng trời mới vào tới Quảng Đà. Ở đó, các anh được điều bổ sung vào tiểu đoàn đặc công 489. Thời gian này địch thường xuyên cho máy bay đi bắn phá các khu vực thuộc vùng giải phóng. Sau khi ổn định tình hình, đơn vị nhận lệnh đánh tập kích sân bay Đà Nẵng để hạn chế khả năng của không quân địch. Là một sĩ quan đã dày dạn kinh nghiệm trong thực tế chiến đấu, ông được giao phụ trách mũi trưởng mũi 1, bí mật luồn vào ém trong sân bay để đánh từ trong ra kết hợp với mũi thứ 2 do đồng chí Lê Trại chỉ huy, đánh từ ngoài vào phối hợp. Đến giờ “G”, khi kim đồng hồ đã chỉ đúng 24 giờ ngày 30-6-1965, ông phát hỏa. Một tiếng nổ đanh, xé tan màn đêm làm hiệu lệnh cho toàn trận đánh. Tiếp theo là hàng loạt những tiếng nổ của bộc phá nghe đinh tai, của thủ pháo, lực đạn chát chúa, tiếng AK nghe giòn giã xen lẫn tiếng kêu la của bọn địch, huyên náo cả một vùng. Những chiếc máy bay phản lực đổ gục trên sân đỗ, bốc cháy sáng rực cả sân bay. Sau 15 phút bất ngờ, hoảng loạn, bọn địch bắt đầu tổ chức chống cự. Phạm Văn Lãng bỗng thấy đau nhói ở phía háng. Một viên đạn đã xuyên thấu qua hai đùi, máu chảy lênh láng. Ông nghiến răng chịu đau, động viên anh em tiêu diệt nốt số xe quân sự và khí tài còn đang nằm trong ụ rồi rút ra an toàn. Trận đó ông đã chỉ huy đơn vị phá hủy 57 chiếc máy bay phản lực, 43 xe quân sự các loại, đánh hỏng nặng đường lăn, bãi đỗ máy bay, đường băng cất hạ cánh, loại khỏi vòng chiến đấu 148 tên Mỹ - ngụy hầu hết là phi công và thợ máy, trong đó có 2 trung tá và 1 thiếu tá. Phía ta hy sinh 1 và bị thương 2 đồng chí. Sau trận đánh, ông được đơn vị đưa vè trạm quân y điều trị vết thương và đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì.
Thành phố Đà Nẵng những năm 60, trên đường Phan Chu Trinh có một khách sạn nổi tiếng sang trọng. Đó là khách sạn mang tên Bà Mai, nằm ngay giữa lòng thành phố. Đây là một tòa nhà được xây dựng rất kiên cố, xung quanh bao bọc bởi một bức tường chắn bảo vệ vững chắc, có khả năng chống tập kích từ bên ngoài. Tại đây, bọn sĩ quan Mỹ thường tụ tập nhau để nhậu nhẹt và hú hí với lũ gái điếm thâu đêm. Những phụ nữ ngoài đường thường bị chúng trêu ghẹo cợt nhả. Có những cô gái trẻ bị chúng làm nhục. Từ lâu, tụ điểm này thành như một cái gai nhức nhối trong con mắt của người dân nơi đây.
Đầu tháng 3-1966, Phạm Văn Lãng được lệnh đi gặp chỉ huy cấp trên. Ông nhanh chóng thu xếp theo người giao liên lên đường. Tới nơi, đồng chí Bí thư Thành ủy Hồ Nghinh và Phó bí thư Hà Kỳ Ngộ đã ngồi chờ sẵn. Sau khi phân tích, đánh giá qua tình hình chiến sự, đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông phải đóng giả thành người dân thường hợp pháp, cắm chốt trong lòng thành phố để chuẩn bị cho những nhiệm vụ quan trọng tiếp theo. Ông vui vẻ nhận lệnh và bắt tay vào việc chuẩn bị. Ngày hôm sau, ông được giao liên nội thành đưa vào ở trong một gia đình cơ sở làm chủ lò bún, có tên là Nguyễn Tùng, trên trục đường Lê Đình Dương. Tại đây, ông đã cải trang thành người làm bún thuê dưới cái tên là Phạm Văn Thế. Với bản chất hiền lành và chịu thương chịu khó, ông được bà con xung quanh rất tin yêu và quý mến. Được sự giúp đỡ của người dân, ông đã nhanh chóng điều tra nắm rõ tường tận từng ngõ ngách của khách sạn, quy luật ra vào ăn chơi của bọn sĩ quan Mỹ. Sau một thời gian theo dõi và chuẩn bị kỹ càng, ông lập ra phương án đánh địch rồi báo cáo lãnh đạo. Cấp trên chuẩn y và giao nhiệm vụ cho ông trực tiếp đánh vào bên trong khách sạn. Bộ phận cảnh giới bên ngoài có 3 đồng chí biệt động. Thời gian hành động sẽ là đêm 19-8.
Vào khoảng 19 giờ ngày 19-8, ông đã khéo léo lọt được vào bên trong khách sạn và ém sẵn chờ thời cơ. Đến 20 giờ, bọn sĩ quan Mỹ kéo đến khá đông. Chúng ăn nhậu, nhảy đầm, đùa cợt với lũ gái điếm. Tiếng nhạc xập xình xen lẫn tiếng cười nói và gào thét gọi nhau nghe đinh tai nhức óc. Thời cơ đã đến. ông trườn mình áp sát mục tiêu. Chỉ trong nháy mắt, cả 6 trái lựu đạn đã được ông cải tiến bồi thêm thuốc nổ TNT và bi xe đạp đồng loạt nổ tung giữa phòng nhảy. Gần như không một tên nào sống sót. Trong lúc bọn địch ở bên ngoài còn đang hoang mang chưa kịp hiểu ra điều gì, ông nhanh chóng thoát ra êm ru qua lối hậu. Nhưng thật không may, mụ Mai béo chủ quán đã nhận ra, chạy đến ôm chặt lấy ông và kêu toáng lên. Một tình huống ngoài dự tính đã xảy ra. Các chiến sĩ biệt động bên ngoài còn đang lúng túng chưa biết nên xử trí thế nào thì một băng đạn nổ ròn, khô khốc. Ông ngã gục trên đường phố trong niềm tiếc thương vô hạn của người dân. Trận đó ông đã tiêu diệt 61 tên Mỹ, chủ yếu là giặc lái và nhân viên kỹ thuật. Đơn vị đã đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì và truy tặng ông danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp ưu tú. Vì quá tức tối, bọn Mỹ - ngụy lôi xác ông ra phơi trên bờ biển Hòa Hải. Người dân thương xót đưa ông về chôn cất. Để tỏ lòng tiếc thương và cảm phục người con đã dũng cảm hy sinh vì dân vì nước, bà con nơi đây đã xây miếu thờ ông bên đường Lê Đình Dương. Mặc dù bị địch bắt bớ, san ủi nhiều lần nhưng miếu vẫn cứ được xây lên như một sự thách đố và tồn tại mãi cho đến ngày nay.
Tổ quốc sẽ mãi mãi không quên người con đã trọn đười hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Ngày 23-2-2010, Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu cao quý – Anh hùng LLVTND.
Phạm Văn Lăng - người anh hùng, người con trung hiếu của dòng tộc họ Phạm đã vĩnh viễn ra đi nhưng tên ông cùng với những chiến công vang dội của một thời đánh Mỹ sẽ sống mãi.
Truyện ký của PHẠM VĂN NĂM