Trong thời đại Hồ Chí Minh, được chiến đấu dưới lá Quân kỳ quyết thắng; nhiều anh Bộ đội Cụ Hồ trở thành những tướng lĩnh tài ba, đồng thời cũng là những nhà thơ xuất sắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người yêu văn nghệ, thích chơi đàn dương cầm và làm thơ, với những câu: “Sông Đà, sông Mã uốn dòng/ Ghềnh rêu, thác bạc, ghi công anh hào/ Con vàn tung cánh bay cao/ Ngọn cờ chỉ lối, ngôi sao dẫn đường” (Báo CCB Thủ đô ghi chú: “Con vàn là con vạc”). Đây là bài thơ Đại tướng sáng tác để đưa tiễn Trung đoàn 148 do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy tiến quân lên vùng Tây Bắc. Trong thời kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, có một người làm thơ mà tên tuổi ông được cả nước biết đến, rồi phong ông là “Thi tướng”, đó là Huỳnh Văn Nghệ. Bài thơ “Nhớ Bắc” của ông đã được in vào nhiều tuyển tập thơ Việt Nam, có những câu như xuất thần, đầy thi hứng: “Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Thiếu tướng Trần Văn Phác-nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, khi còn hoạt động trong chiến trường miền Nam gian khổ, ác liệt, ông viết thư gửi ra cho vợ (bà Lê Thị Quế Hương) với những dòng chữ đẹp như một bài thơ: “…Anh đã nhận được thư số 24 của em. Anh đã đọc đi đọc lại những trang giấy màu xanh thân thiết qua nhiều buổi trưa và buổi tối và tất nhiên cũng không quên ngắm đi ngắm lại hai tấm ảnh mới nhất của em. Nhìn cái ảnh cưới, giá em ở gần, chắc anh phải hôn em một cái quá. Hãy phấn đấu cho một tình yêu đẹp tuyệt với, mãi như vậy Hương ạ…”. Thượng tướng Đinh Đức Thiện từng giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Trong một chuyến vào Nam cùng nhà thơ Tố Hữu, trước tình cảnh đất nước chia cắt, chiến tranh kéo dài. Ông đã làm bài thơ “Nhà thơ xứ Huế” tặng nhà thơ Tố Hữu có những câu: “Đường về núi Ngự, sông Hương/ Lòng quê đi mỗi bước đường một đau/ Thư này mang nặng từ lâu/ Nắng mưa đã nặng mái đầu hoa râm”. Thiếu tướng Nguyễn Chuông vừa chỉ huy chiến đấu, vừa viết và xuất bản tới bốn, năm đầu sách. Trong đó có cuốn “Đường tới chân trời” được giải thưởng của Tổng cục Chính trị. Bài thơ “Giữ lửa” của ông có những câu: “Ôi những buổi xa nhà cầm súng/ Nghe xôn xao đất nước gọi tên mình/ Mỗi chiến sĩ mang trong lòng ngọn lửa/ Thắp lửa lên thiêu cháy đồn thù”. Trung tướng Vương Thừa Vũ-nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng vừa là một nhà quân sự có tài, vừa là người làm thơ, ca dao rất hay. Trong huấn luyện, ông thường “thơ hóa” các hình thức chiến thuật cho bộ đội dễ nhớ và giáo dục tinh thần chiến đấu. Khoa mục “Vận động tiến công kết hợp chốt”, ông làm thơ: “Chiến trường là chốn giao tranh/ Hai bên đọ sức để giành phần hơn/ Địch vào ta chặn phản công/ Khẩn trương vận động hợp đồng triển khai”; hoặc tập bắn tỉa, ông có thơ: “Bắn gần kết hợp bắn xa/ Bắn thẳng phía trước cũng là xuyên hông”. Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tham gia hoạt động cách mạng khá sớm, bị giặc Pháp bắt, tù đày nhiều lần. Ông từng đóng vai nhà sư, đi tu ở chùa Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội. Trong một đêm giao thừa, ông đã làm thơ về nỗi lòng mình: “…Ta há như ai chịu ngậm hờn/ Lửa lòng để rụi chốn thiền môn/ Nay kinh mai kệ trôi ngày tháng/ Tư tưởng tan dần với khói hương/ Tình thế rồi đây sẽ chuyển vần/ Cao trào giải phóng dậy muôn dân/ Đạp thù ngã gục tung xiềng xích/ Nước Việt vươn mình đón nắng xuân”…
Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)