Gặp ông, thủ thỉ câu chuyện, dù chỉ là lần đầu nhưng cũng thật khó quên. Nụ cười nhẹ như gió thoảng, chân tình, ông gieo hạt niềm tin nơi người nghe, người nhận. Ông có nước đi như trai tráng, sức lực dẻo dai. Ông chẳng ngần ngại bất cứ việc gì. Nặng trên tay ông, có lẽ đã có cả hàng trăm bộ hài cốt đồng đội khi ông từng cất bốc từ những cánh rừng xa xôi hiểm trở, như Gia Lai, Kon Tum, Vũng Tàu… để đưa về với vòng tay yêu thương của người thân, quê hương, bạn bè đồng đội họ. Người như thế, sao có thể yếu mềm. Vậy mà đôi mắt ông đã nhiều lần ngấn lệ. Trái tim ông cũng nghèn nghẹn bao lần khi gặp lại những đồng đội ông đã quên mình, dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc để mãi mang danh tự hào “Tên anh đã thành tên đất nước”.
Nắng tháng 6 trời như đổ lửa. Tôi được ngồi bên ông tại một bàn đá dưới “tán rừng” - vườn vải, thôn Đồng Tâm xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Có gì đó thật thiêng liêng hội tụ. Nơi đây đã và đang kiến tạo nên một Công ty, một doanh nghiệp lâm nghiệp, dược liệu Vũ Thị Hòa, do bà Vũ Thị Hòa làm Giám đốc. Còn ông, sau gần chục năm đồng hành cùng Đoàn Tâm Đức mà cô Vũ Thị Hòa khởi xướng và thực hiện nay lại đóng vai trò “ông cố vấn”. Để hiểu về ông, chỉ một câu ngắn gọn: Ông như thể một tổng quản, một điểm tựa không thể thiếu đối với vai trò Giám đốc của bà Hòa. Ghi dấu sự phát triển về Công ty chắc chắn không thể không nhắc đến ông, dù những việc ông làm, như ông nói “đáng kể gì đâu”.
Miên man trong câu chuyện, cuộc đời ông như vỡ ra từng lớp quặng, vỉnh quặng. Năm 1963, khi mới vừa tuổi 17, ông đã cùng bố mẹ và gia đình lên lập nghiệp trên quê hương mới, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Bao khó khăn gian khổ ngày ấy vẫn cứ ám ảnh ông.
Đang là công nhân thuộc Bưu điện Yên Bái đầu năm 1967, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, “Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt” công nhân trẻ Chu Xuân Thu tạm biệt quê hương, đồng nghiệp nhập ngũ. Chưa xóa được những bỡ ngỡ ban đầu của một tân binh, thì ba tháng sau ông nhận lệnh vào Nam chiến đấu.
Sau mấy tháng ròng hành quân vượt Trường Sơn, ông được điều động về đơn vị Quyết Thắng 2, Đặc khu Sài Gòn-Gia Định.
Tại đây, ông lần lượt tham gia các mặt trận, hết quần nhau với giặc tại vùng miền Đông, ông lại được điều chuyển tham gia mặt trận Xa-va-na-khet (Lào). Năm 1969, ông trở lại với chiến trường miền Đông. Tiếp đó là mặt trận Campuchia. Với những chiến công diệt giặc, cứu đồng đội, người chiến sĩ Giải phóng Chu Xuân Thu có một vinh dự lớn. Đó là tháng 3-1969, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay tại chiến trường Campuchia.
Từ năm 1970 đến kết thúc kháng chiến chống Mỹ, ông Chu đã trải qua nhiều cương vị công tác, tham gia nhiều chiến dịch lớn, bị thương trong chiến đấu. Tháng 4-1975, cùng với 5 mũi tấn công chủ lực tham gia cuộc Tổng tiến công mùa Xuân, đơn vị ông tiến về đánh chiếm, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Lúc này ông được phân công về làm Phó ban Tham mưu-Tác chiến, Phòng Đối ngoại, Cục Chính trị Quân giải phóng. Tiếp quản Sài Gòn bao bỡ ngỡ, nhưng cũng bao niềm vui thú vị. Vậy nhưng trong ông chợt nhói lên day dứt khi nghĩ về những người đồng đội đã mãi mãi nằm sâu trong đất cát bìa rừng, ngọn suối. Nhất là khi ông được nhận những tấm Huân chương Giải phóng; Bằng dũng sĩ diệt Mỹ-ngụy. Phải chăng, không có chiến tranh… ông thở dài. Ẩn tình một nỗi niềm sâu sắc.
Sau ngày đất nước thống nhất, cuối năm 1977, ông ra quân nhưng không làm ở đơn vị cũ mà đi học và rồi gắn bó với ngành vận tải đường sắt. Ông là công nhân thuộc Xí nghiệp Đầu máy toa xe Hà Lào. Nhiều năm liền ông giữ chức đội trưởng, đảng ủy viên của Đảng ủy. Năm 1990 ông về nghỉ hưu, sau gần 30 năm công tác liên tục mang sắc phục công nhân và quân nhân.
Mặc du lương hưu của một công chức rất hạn hẹp nhưng từ nhiều năm qua, Hội CCB phường Hồng Hà TP. Yên Bái liên tục đánh giá và ghi nhận trách nhiệm, sự hảo tâm của CCB Chu Xuân Thu trong mọi hoạt động công tác Hội. Ông Thu chia sẻ: Càng tự hào về những tháng năm quân ngũ bao nhiêu tôi càng đau đáu với đồng đội tôi, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến vĩ đại vì độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn còn nằm đâu đó trên khắp các chiến trường, để gắng làm những việc gì mà mình có thể…
Tôi hiểu, những tiếng lòng của ông, của người lính Cụ Hồ vẫn muôn năm không cũ, khi ông cũng đã có bao năm tháng dồn hết tâm sức tuổi cao cho công cuộc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Cứ thế, trên ngực ông chẳng đeo tấm huân chương nào nhưng vẫn cứ lấp lánh một nghĩa tình bằng xương, bằng thịt với đồng đội, với những người đã khuất cho Tổ quốc bay lên.
Trần Miêu