-Chào ông Trần Đăng Khoa! sáng ngày 26-2, chủ trì phiên họp của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh ý nghĩa của phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong năm “bứt phá” 2019. Ông nghĩ thế nào khi chúng tôi lại muốn “khảo chuyện” ông về “Văn hoá thời hội nhập” ?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa của công tác thi đua trong thực hiện Văn hóa công sở. Đây chính là một nhánh của Văn hóa trong thời hội nhập mà các bạn “khảo” tôi.
Kinh tế và Văn hoá là hai lĩnh vực rất quan trọng. Một nhà thơ của chúng tôi từng viết: “Mẹ nuôi cái lẽ ở đời - Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Và như thế, đứa trẻ lớn lên nhờ hai phần sữa: Vật chất và Tinh thần. Đó là đôi cánh để cho chúng ta bay. Thiếu một trong hai thứ, con người đều không thể lớn lên được.
Tất nhiên, nếu thiếu sữa, thiếu vật chất, đứa trẻ còi cọc, ta dễ nhận ra ngay bằng mắt thường. Nhưng thiếu tiếng hát, thiếu cái tinh thần, là cái phần Văn hoá ấy, thì không dễ mà nhận ra được đâu. Một đứa trẻ què quặt chân tay thì chả cần sự hiểu biết sâu sắc cũng thấy ngay được. Nhưng què quặt tâm hồn thì thấy làm sao? Vì nó đâu có hiện hình. Nhưng khi nó đã hiện hình mà ta thấy được thì nó đã thành những Lê Văn Luyện, Nguyễn Đại Dương, những kẻ máu lạnh, giết người không ghê tay…
- Văn hoá ở thời nào cũng quan trọng, nhất là thời hội nhập…
Đúng vậy. Nếu cứ đóng cửa, cứ kín cổng cao tường biến mình thành ốc đảo thì chẳng bàn làm gì. Nhưng mở cửa ra với thế giới thì lại phải quan tâm đến bản sắc Văn hoá. Làm sao hội nhập với thế giới mà vẫn phải giữ được mình. Làm cho mình vững mạnh hơn, phong phú hơn. Hoà nhập mà không hoà tan. Cái này quan trọng lắm.
Ở thế giới, nhất là các nước lân cận, người ta làm tốt cái này lắm. Như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ngay cả Lào, Campuchia hay Đài Loan chẳng hạn. Chỉ cất lên một giai điệu nhạc là nhận ngay ra họ rồi. Kiến trúc cũng rất rõ. Rồi kinh tế, xã hội cũng vậy. Ngay ở Trung Quốc, Đài Loan với Đại Lục cũng rất khác nhau. Không phải mô hình xã hội mà kiến trúc nhà cửa cũng khác biệt. Còn ta thì thật lộn nhộn. Chúng ta phát triển về kinh tế thì rất đáng mừng. Đời sống của người dân được cải thiện là điều không thể phủ nhận. Nhiều người đang giàu lên. Đấy là những tầng lớp bình dân, là dân thường ấy. Chứ quan chức tham nhũng, hay những anh trọc phú giàu xổi thì ta chẳng quan tâm làm gì. Nhưng Văn hoá lại đang có vấn đề. Ngay cái thành trì vững chắc của chúng ta là các làng quê cũng đáng báo động.
Những năm đen tối, nước mất, nhưng làng vẫn còn. Bây giờ, đất nước thanh bình và phát triển rất mạnh, thì các làng quê, với vẻ đẹp muôn thuở đang dần biến mất. Nhà văn hoá lớn Hữu Ngọc, có lần bảo tôi: Hầu hết các làng quê Bắc Bộ đều đã bị ô nhiễm Văn hoá. Chỉ duy nhất có một làng còn giữ được một phần nào bản sắc văn hoá. Đó là Đường Lâm. Đường Lâm giữ được cũng một phần vì nó rất nghèo. Làng chỉ có nghề kẹo kéo và làm tương. Nên người dân ở đây nghèo lắm. Muốn xây dựng gì cũng khó. Rồi ông đưa ra một cái kết luận thật chua xót. May mà cái nghèo, cái túng thiếu đã cứu được một di sản văn hoá đang dần bị tan huỷ.
- Đúng là làng quê đang có vấn đề, nếu nhìn ở góc độ văn hoá...
Không phải chỉ có làng quê đâu. Đến ngay cả những nơi tôn nghiêm, như chùa chiền, miếu mạo cũng ô nhiễm Văn hoá nghiêm trọng. Tôi xin đơn cử chùa Bái Đính. Đây là quần thể chùa lớn. Xây dựng rất hoành tráng. Nhưng chẳng có gì là bản sắc Việt Nam. Nó cứ như một ngôi chùa ở vùng Quảng Đông, Trung Quốc vậy. Đây lại là nơi chúng ta đón nhiều khách quốc tế, nhất là những ngày lễ hội Phật Đản. Rồi các lĩnh vực khác cũng vậy.
Tôi nhớ có lần, tôi còn học ở nước ngoài, một cô bạn Nga có hỏi tôi về thơ tứ tuyệt Việt Nam. Tôi có chọn một bài thơ của một tác giả đang rất ăn khách rồi dịch sơ bộ cho cô bạn hiểu. Cô bạn ngạc nhiên lắm: Sao thơ các cậu giống thơ cổ điển Trung Quốc thế. Cả kiến trúc cũng vậy. Cái thì Pháp, cái thì Tàu... Tôi cãi: “Không, cậu nhầm đấy. Nhầm to đấy. Không phải chúng tớ bắt chước thơ Đường đâu, mà các nhà thơ Đường bắt chước chúng tớ đấy. Cả kiến trúc cũng vậy. Họ bắt chước Kinh thành Huế của chúng tớ rồi xây Tử Cấm Thành. Nhưng lại xây trước chúng tớ đến cả mấy trăm năm. Thế mới “đểu” chứ!”
- Ông vừa lạc quan về kinh tế của chúng ta...?
Đúng vậy. Nhưng lạc quan thì chưa hẳn đâu. Đời sống kinh tế, xã hội của chúng ta quả đã được cải thiện từng bước rất quan trọng. Nhưng vẫn bấp bênh lắm. Chúng ta có nhiều người giàu. Nhưng vẫn rất thiếu những người giàu vững chắc. Giàu bằng trí tuệ của mình.
Ở ta có nhiều người giàu. Nhưng cũng không ít những anh giàu nhờ móc ngoặc với những quan chức biến chất, thành những lợi ích nhóm rồi tham nhũng, ăn chia, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản. Vụ Thủ Thiêm, hay những vụ án động trời chẳng hạn. Tuy nhiên, cũng có những nhà kinh doanh làm giàu được bằng trí tuệ của mình. Như Anh hùng LLVTND Phan Văn Quý mà tôi biết. Làm kinh tế đâu có dễ. Không phải ngẫu nhiên, người ta gọi “Thương trường là chiến trường”. Vì thế, rất dữ dội và khốc liệt. Nhưng với Phan Văn Quý thì khác. Thương trường là chiến trường. Nhưng đó là một chiến trường đặc biệt. Nếu chỉ là chiến trường thông thường, thì chiến trường ấy chỉ có “sống” và “chết”. Bởi ở đó có “ta”, có “địch”. Phải tìm mọi cách tiêu diệt địch để giành lấy sự sống. Đó là sự đối kháng quyết liệt với kẻ thù không đội trời chung. Nhưng với Phan Văn Quý, Thương trường là Chiến trường không có kẻ thù. Nếu có cái gọi là kẻ thù, thì chỉ là kẻ thù ảo. Đó là cái đói, cái nghèo, hay sự dốt nát, lạc hậu, trì trệ, đi ngược lại tiến trình văn minh của cả loài người. Còn lại đều là đồng đội. Đối tác là đồng đội. Đối với người lính, đồng đội thiêng liêng lắm. Nói như nhà thơ Chính Hữu: Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm, pháo dội/ Ta mới hiểu thế nào là đồng đội/ Đồng đội ta/ Là hớp nước uống chung/ Miếng cơm xẻ nửa/ Là chia nhau một sớm nắng, một chiều mưa/ Chia khắp anh em một mẩu tin nhà/ Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau nụ cười/ Chia nhau cái chết…
Vậy đó. Với đồng đội, thì đến cả cái chết cũng chung nhau. Và như thế, dù ở địa danh nào, ở thời điểm nào, dù người lính hi sinh ở Điện Biên năm 1954, ở cửa ngõ Sài Gòn năm 1975, hay ở Lạng Sơn năm 1979, ở Biển Đông, Trường Sa năm 1988 thì họ cũng vẫn chung nhau một ngày giỗ. Đó là ngày 27 - 7.
Với Phan Văn Quý, ở chiến trường đặc biệt này, không có cái chết mà chỉ có sự sống. Đồng đội ôm lấy nhau mà sống. Không phải tôi ăn cơm. Anh ăn cháo. Mà tất cả đều ăn cơm. Rồi tiến tới những bữa “Đại tiệc”. Làm sao để tất cả đều thành công. Không phải tôi thành công thì anh cứ phải thất bại. Nếu người khác phải thất bại thì thành công của mình đâu có trọn vẹn. Không có hạnh phúc nào đáng gọi là hạnh phúc khi nó lại được xây đắp trên nỗi đau khổ của kẻ khác. Chúng ta cũng có không ít những doanh nhân như Phan Văn Quý. Cái gì giúp họ đứng vững và giữ được bản sắc của mình. Chính là Văn hoá đấy. Văn hoá Doanh nhân ở thời Hội nhập.
- Cảm ơn ông.
HÀ VI ghi