Năm nay, Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 26-3, với chủ đề: “An toàn vệ sinh lao động vì hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” là cơ hội để nâng cao nhận thức của người lao động, của các doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động và bảo vệ sức khỏe cũng như sinh mạng người lao động, bảo vệ an toàn tài sản doanh nghiệp cũng như của xã hội.

Mất an toàn vệ sinh lao động và cháy nổ từ nhiều năm qua đã là nguyên nhân chính gây nên những thiệt hại to lớn về sinh mạng cũng như tài sản xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2010, tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xảy ra 5.125 vụ tai nạn lao động, làm 5.307 người bị nạn, trong đó có 601 người chết, 1.260 người bị thương nặng… So với năm 2009, số vụ tai nạn lao động năm 2010 và số nạn nhân giảm nhưng số vụ tai nạn lao động có người chết và số người chết tăng 9,27%, số người bị thương nặng tăng 3,19%. Những ngành nghề xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng là khai thác mỏ, xây dựng, lao động giản đơn, thợ gia công kim loại và lắp ráp cơ khí… Phân tích số liệu tai nạn lao động gây chết người theo yếu tố gây chấn thương thì số người chết do ngã chiếm tỷ lệ cao nhất là 21,48%, tiếp theo là do vật rơi, vùi dập chiếm 20,81%; do bị vấp ngã, va đập hoặc kẹp mắc giữa các vật thể, máy thiết bị cán-kẹp-cuốn chiếm 16,78%; do bị văng bắn và bị bỏng chiếm 14,45%; do bị điện giật chiếm 9,4%; do tiếp xúc với các chất độc hại chiếm 7,38%...Điều đáng lưu ý là từ đầu năm đến nay đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, điển hình như vụ tai nạn lao động ngày 13-4-2010 do nổ mìn phá đá tại HTX Minh Tâm (Hà Tĩnh) làm 2 người chết, 3 người bị thương; vụ nổ nồi hơi xảy ra ngày 9-5-2010 tại Công ty CP chế biến thực phẩm Vĩnh Kiên (Kiên Giang) làm 3 người chết, 15 người bị thương; gần đây nhất là vụ bục nước lò ngày 12-11-2010 làm 3 người chết tại Công ty than Dương Huy (Quảng Ninh)…

Để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động này có nhiều nguyên nhân mà xuất phát đầu tiên từ người sử dụng lao động. Do để đảm bảo năng suất lao động cao, để tiết kiệm chi phí tối đa và thu lợi nhuận cao nhất, họ thường không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật lao động về an toàn vệ sinh lao động, không thường xuyên mua sắm các trang thiết bị bảo hộ cho người lao động; không quan tâm đến việc cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, không có bộ máy giám sát người lao động tuân thủ các quy định về bảo hiểm lao động… Kỹ thuật sản xuất lạc hậu, cũ nát không được trang bị mới và đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tai nạn mà người lao động và gia đình họ phải gánh chịu mọi hậu quả. Thứ hai là nguyên nhân đến từ chính người lao động. Vì đồng lương thu nhập, khá nhiều người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã vi phạm các quy trình, biện pháp an toàn, không ý thức được việc tự đảm bảo an toàn lao động cho mình và những người làm việc xung quanh. Trong thực tế, rất nhiều người lao động đã không chịu mặc áo quần bảo hộ lao động, không đội mũ bảo hộ, không đi giày, không đi găng tay, không buộc tóc gọn gàng khi tham gia lao động để gây nên tai nạn lao động mà nếu họ nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy thì chắc chắn tai nạn lao động sẽ không xảy ra. Đáng tiếc hơn là có tình trạng người lao động tại một số nơi, khi có đoàn kiểm tra hoặc chuyên viên an toàn lao động thì họ chấp hành rất nghiêm chỉnh, nhưng khi đoàn kiểm tra vừa rút thì chính người lao động đã lập tức trút bỏ bộ đồ bảo hộ lao động “cho đỡ vướng”. Để mất an toàn lao động còn có trách nhiệm của chính các cơ quan chức năng. Trên thực tế, sự kiểm tra an toàn vệ sinh lao động của các cơ quan chức năng tại các cơ sở sản xuất còn rất ít, nhiều nơi từ lúc thành lập đến nay đã hàng chục năm nhưng chưa một lần được đón các cán bộ chuyên trách về an toàn lao động. Sự thiếu kiểm tra thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh dẫn tới tình trạng người sử dụng lao động và người lao động cố ý không chấp hành các quy định về an toàn lao động…

Để phòng ngừa tốt các tai nạn lao động có thể xảy ra, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng cho người lao động, đòi hỏi sự tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn lao động của người sử dụng lao động cũng như chính người lao động, sự nhắc nhở và tập huấn về công tác an toàn lao động cần được tiến hành thường xuyên trong người lao động. Bên cạnh các vấn đề này còn có một giải pháp hữu hiệu khác đã được cả lý thuyết và thực tế kiểm chứng là sự cần thiết được đầu tư, trang bị các loại thiết bị, máy móc mới, hiện đại hơn để tăng năng suất lao động và giảm thiểu các tai nạn lao động có thể xảy ra. Có làm tốt các công tác an toàn lao động, chúng ta mới có thể đảm bảo tốt sức khoẻ và tính mạng cho người lao động, tăng năng suất lao động xã hội.

QUỐC HUY