1. Trong giữ gìn hòa bình, ổn định của đất nước
    Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1993 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Campuchia bước vào một thời kỳ mới – thời kỳ khôi phục và phát triển đất nước. Mặc dù chỉ về thứ hai trong cuộc bầu cử, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) với mục tiêu giữ gìn hòa bình và ổn định cho đất nước, đã kiên trì đàm phán với Đảng FUNCINPEC (về thứ nhất trong cuộc bầu cử) để thành lập chính phủ liên hiệp. Kết quả là vào tháng 9/1993, Chính phủ Liên hiệp Hoàng gia Campuchia được thành lập trên cơ sở liên minh giữa FUNCINPEC và CPP với Norodom Ranariddh là Thủ tướng thứ nhất và Hun Sen là Thủ tướng thứ hai. Mặc dù vậy, Campuchia khi đó vẫn chưa có được hòa bình, ổn định thực sự do mâu thuẫn, bất đồng giữa FUNCINPEC với CPP và sự chống đối, quấy phá của tàn quân Khmer Đỏ. Tuy nhiên, với tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc nhằm xây dựng môi trường hòa bình ổn định để Campuchia có điều kiện tái thiết và phát triển đất nước, CPP và Hun Sen đã có những biện pháp ứng xử phù hợp, khi mềm dẻo linh hoạt, lúc cứng rắn quyết liệt. Kết quả là, những mâu thuẫn, bất đồng, những yếu tố gây bất ổn đã cơ bản được giải quyết. Đặc biệt, Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã thành công trong việc kêu gọi tàn quân Khmer Đỏ buông súng quay về với nhân dân. Việc Nun Chea và Khieu Samphan quy hàng chính phủ vào tháng 12/1998 là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tàn quân Khmer Đỏ không còn tồn tại ở Campuchia. Có thể nói, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với việc đảm bảo hòa bình, ổn định của Campuchia, đồng thời nó cũng cho thấy vai trò quan trọng của CPP và Thủ tướng Hun Sen.
    Với việc về thứ nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa II năm 1998, CPP đã liên minh với FUNCINPEC để thành lập Chính phủ Liên hiệp. Kể từ đây, CPP là đảng đứng ra chèo lái “con thuyền Campuchia” chính thức bước vào thời kỳ hòa bình ổn định và phát triển đất nước. Kể từ cuộc bầu cử Quốc hội khóa II (1998) đến cuộc bầu cử Quốc hội khóa V (2013), CPP luôn về thứ nhất và đứng lên thành lập chính phủ. Điều đáng nói, sau các cuộc bầu cử này (trừ cuộc bầu cử năm 2013, FUNCINPEC không giành được ghế trong Quốc hội), CPP luôn chọn FUNCINPEC để thành lập chính phủ liên minh dù FUNCINPEC giành được ít hay nhiều ghế. Việc này phần nào cho thấy, CPP và Thủ tướng Hun Sen luôn đề cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc để phát triển.
    Như vậy, từ năm 1993 đến nay, với tư cách là đảng cầm quyền ở Campuchia, CPP đã mang đến hòa bình, ổn định thật sự cho Campuchia, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hòa bình, ổn định ở Campuchia, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hòa bình, ổn định ở Campuchia đã được lịch sử chứng minh, được cả thế giới công nhận chứ không phải là hòa bình ổn định giả tạo như một số lực lượng chống đối ở Campuchia từng rêu rao tuyên truyền sai sự thật. Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần khẳng định, nếu CPP không cầm quyền, Campuchia có thể sẽ có chiến tranh. Nếu nhìn thẳng vào tình hình Campuchia từ năm 1993 đến nay, có lẽ Thủ tướng Hun Sen hoàn toàn đúng.
  2. Trong phát triển kinh tế xã hội
    Trải qua một thời gian dài bất ổn, đến năm 1993 Campuchia là một nước nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng xã hội bị hư hại, phá hủy… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của CPP và Thủ tướng Hun Sen, từ năm 1993 đến nay, Chính phủ Campuchia đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Chiến lược phát triển tứ giác; Chiến lược xóa đói giảm nghèo… Việc thực hiện những chính sách này đã mang lại nhiều đổi thay cho Campuchia trong vòng 25 năm qua. Nếu như vào năm 1993, GDP bình quân đầu người của Campuchia chỉ đạt 228 USD thì đến năm 2017 con số này đã tăng lên khoảng 1.500 USD. Năm 2015, Campuchia đã được World Bank xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.
    Về kinh tế, trong nhiều năm liền, Campuchia đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định, tăng trung bình trên 7%/năm, đặc biệt có những năm tăng trưởng ở mức 2 con số như giai đoạn 2004 - 2007: lần lượt là 10,3%, 13,3%, 10,8% và 10,2%. Bên cạnh đó, cơ cấu nền kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng phát triển, đó là tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Campuchia đã xây dựng được những ngành kinh tế mũi nhọn như dệt may, nông nghiệp và du lịch. Xuất khẩu dệt may và giày dép chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu của Campuchia (chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia). Điều đáng nói, hàng dệt may của Campuchia chủ yếu được xuất khẩu vào những thị trường khó tính, có yêu cầu cao như Mỹ và EU.
    Trong những năm vừa qua, du lịch cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của Campuchia và đạt tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng kinh tế của Campuchia. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia ngày càng tăng trong những năm vừa qua, đặc biệt là kể từ năm 2004 khi nước này đón được hơn 1 triệu du khách du lịch quốc tế. Nếu như năm 1993, chỉ có khoảng 118 ngàn du khách quốc tế đến Campuchia thì con số này của năm 2016 là hơn 5 triệu người, năm 2017 khoảng 5,6 triệu người. Cùng với lượng du khách quốc tế, doanh thu của ngành du lịch liên tục gia tăng, nếu như năm 1995, doanh thu của ngành này đạt khoảng 100 triệu USD thì đến năm 2016, con số này là 3,212 tỷ USD. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng du lịch cũng không ngừng phát triển. Đến nay, Campuchia có khoảng 647 khách sạn với 36.236 phòng; 1.996 nhà nghỉ với 28.885 phòng; 688 khu vui chơi giải trí cho người lớn và 1.844 nhà hàng ăn uống. Một đóng góp nữa của ngành du lịch là đã tạo ra khoảng 70 vạn chỗ làm cho người lao động với thu nhập ổn định.
    Ngành nông nghiệp của Campuchia cũng có sự phát triển đáng kể, đặc biệt là trồng lúa. Từ một nước thiếu gạo vào năm 1993, đến năm 2009 Campuchia không những tự túc được lương thực mà còn bắt đầu xuất khẩu gạo ra nước ngoài. Sản lượng và thị trường xuất khẩu gạo ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2009 Campuchia chỉ xuất khẩu được 12.613 tấn gạo thì đến năm 2017 đã xuất khẩu được tổng cộng 2,88 triệu tấn gạo. Điều đáng nói, Campuchia đã sản xuất được một số loại gạo có chất lượng tốt và giá bán cao hơn so với gạo của Thái Lan và Việt Nam như gạo Phca Mlik. Có thể nói đây là một thành tích ấn tượng của Campuchia.
    Kể từ năm 1993 đến nay, cùng với sự phát triển kinh tế, một số lĩnh vực trong đời sống xã hội Campuchia cũng có sự phát triển vượt bậc. Các lĩnh vực cụ thể là giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và kết cấu hạ tầng xã hội đã nhanh chóng phát triển, góp phần đưa Campuchia từ một nước nghèo lạc hậu vào năm 1993 trở thành nước nghèo trung bình.
    Trong giai đoạn này, giáo dục phát triển nhanh chóng cả về quy mô, số lượng và loại hình đào tạo. Giáo dục Campuchia đã trở thành một hệ thống toàn diện từ giáo dục tiểu học đến giáo dục đại học và sau đại học. Giáo dục phổ thông với 3 cấp đã phát triển cả về quy mô trường lớp, học sinh và giáo viên, trong đó cấp trung học phổ thông tăng mạnh nhất. Về giáo dục đại học, trước năm 1993, Campuchia chỉ có một số cơ sở đào tạo đại học và sau đại học thì đến năm 2013, nước này đã có 110 cơ sở, trong đó có 43 cơ sở công lập và 67 cơ sở tư thục. Hơn nữa, giáo dục đại học không chỉ đào tạo bậc cao đẳng đại học mà còn đào tạo cao học và nghiên cứu sinh. Đây là một thành tựu quan trọng của giáo dục Campuchia. Bên cạnh đó, nếu như trước năm 1993, Campuchia chỉ có các đào tạo công lập thì trong giai đoạn 1993-2013 Campuchia đã có các trường tư thục. Đây chính là một trong những bước phát triển mới của ngành giáo dục, thể hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của chính phủ, đồng thời cũng là sự hội nhập với xu hướng chung của thế giới.
    Lĩnh vực y tế cũng có sự phát triển nhất định trong giai đoạn này, điều này được thể hiện ở sự gia tăng các cơ sở khám chữa bệnh, số lượng thầy thuốc, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ. Bên cạnh đó, sự phát triển của y tế còn được thể hiện trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai làm cho tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em liên tục giảm; tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em tăng cao; một số bệnh dịch như sốt rét, sốt xuất huyết đã được kiểm soát hoặc giảm thiểu…
    Xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cũng được là một trong những ưu tiên của Chính phủ Campuchia, là những nội dung của Các mục đích thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Chính vì vậy, tỷ lệ nghèo đói ở Campuchia đã liên tục giảm trong giai đoạn 1993-2003. Nếu như năm 1993, tỷ lệ nghèo đói ở Campuchia là 39% thì đến năm 2013 con số này giảm xuống còn khoảng 16%. Đây chính là một thành tựu quan trọng của Campuchia đã được Liên hợp quốc ghi nhận bởi trong Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Campuchia đặt kế hoạch và thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ nghèo đói dưới 19,5%. Bên cạnh giảm nghèo đói, một số lĩnh vực an sinh xã hội, đặc biệt là dành cho các đối tượng như người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
    Cuối cùng, cơ sở hạ tầng xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, năng lượng, bưu chính viễn thông, cũng có sự phát triển vượt bậc. Sự phát triển này được thể hiện thông qua các con số về đường xá, cầu cống, bến cảng, sân bay, nhà máy điện được xây dựng. Có thể kể đến một số công trình điển hình như các Quốc lộ 1, 4, 6, 7… được nâng cấp; các nhà máy điện như Kirirom I, Kamchay, Stung Areng, Rusey Chrom Krom, Stung Tatay… Các nhà máy điện này góp phần giúp Campuchia giảm lượng điện nhập khẩu đáng kể, số lượng người dân sử dụng điện thoại và Internet tăng nhanh. Tính đến năm 2011, Campuchia có tổng số 22.380km cáp quang. Số lượng thuê bao điện thoại tăng từ 3.835.251 thuê bao lên 16.238.210 thuê bao vào năm 2011, tăng hơn 4 lần, đưa tỷ lệ thuê bao điện thoại/ người dân lên 113,55%. Cùng với điện thoại, mạng Internet ở Campuchia cũng phát triển nhanh chóng. Năm 1997, với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada, Internet đã được đưa vào Campuchia. Tương tự điện thoại, số lượng thuê bao Internet cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2008-2011. Tính đến năm 2011, Campuchia có 1.689.389 thuê bao Internet chiếm tỷ lệ 11,81% tổng dân số, trong đó 73% thuê bao Internet là người sử dụng điện thoại di động.
  3. Trong hội nhập quốc tế
    Kể từ khi được tái lập vào năm 1993, Vương quốc Campuchia theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập. Với sự lãnh đạo của CPP và Thủ tướng Hun Sen, Campuchia đã thực hiện nghiêm túc chính sách này. Một trong những nguyên tắc quan trọng mà Thủ tướng Hun Sen và CPP đề ra là chính sách đối ngoại của Campuchia phải đảm bảo được lợi ích quốc gia trên cơ sở hợp tác cùng có lợi. Theo Thủ tướng Hun Sen, đây là chính sách Win – Win (cùng thắng).
    Thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, Campuchia từng bước khôi phục và mở rộng quan hệ với nhiều nước, nhiều tổ chức trên thế giới.
    Đối với ba nước láng giềng có chung đường biên giới là Lào, Thái Lan và Việt Nam, CPP và Thủ tướng Hun Sen chủ trương củng cố mối quan hệ láng giềng vốn có từ lâu đời đồng thời phát triển quan hệ với ba nước này trên tất cả các lĩnh vực. Thực hiện nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, quan hệ giữa Campuchia với Lào, Thái Lan và Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Mặc dù vậy, CPP và Thủ tướng Hun Sen cũng rất linh hoạt trong việc xử lý những mâu thuẫn, bất đồng thậm chí là xung đột với ba nước này. Đối với Thủ tướng Hun Sen, chủ quyền lãnh thổ là bất khả xâm phạm. Ông tuyên bố, nếu lãnh thổ Campuchia bị xâm phạm, dù chỉ một tấc đất, ông sẵn sàng kiện ra tòa án quốc tế. Chính vì vậy, ông đã có những biện pháp rất cứng rắn, quyết liệt trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp biên giới giữa Campuchia với Thái Lan và với Lào. Ví dụ, năm 2011, Campuchia đã kiện Thái Lan ra Tòa án Công lý quốc tế, năm 2013 Tòa đã xử Campuchia thắng kiện. Hoặc khi mâu thuẫn giữa Campuchia và Lào diễn ra vào năm 2017, tháng 9 cùng năm Thủ tướng Hun Sen đã bay thẳng đến Viên Chăn để gặp Thủ tướng Lào để giải quyết. Bên cạnh đó, CPP và Thủ tướng Hun Sen còn có những hành động quyết liệt để phản bác lại sự xuyên tạc sự thật lịch sử, vu cáo Chính phủ làm mất đất, gây mất đoàn kết giữa Campuchia với các nước láng giềng của các lực lượng đối lập trong và ngoài nước.
    Đối với các nước lớn trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ… và các tổ chức quốc tế, Campuchia cũng tăng cường và mở rộng quan hệ. Ví dụ điển hình là việc Campuchia gia nhập ASEAN vào năm 1999 và WTO vào năm 2004. Việc Campuchia gia nhập hai tổ chức này có vai trò rất to lớn của Thủ tướng Hun Sen. Bên cạnh đó, Campuchia còn tham gia vào nhiều thể chế hợp tác đa phương khác, đặc biệt là việc Campuchia chủ động cử binh lính của mình tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc (Lực lượng Mũ nồi Xanh). Việc này đã đươc cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
    Việc Campuchia mở rộng quan hệ quốc tế không chỉ góp phần lấy lại và nâng cao hình ảnh của Campuchia trong mắt cộng đồng quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của nước này. Với các mối quan hệ quốc tế của mình, Campuchia đã thu hút được rất nhiều đầu tư và viện trợ của nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.
    Tóm lại, kể từ năm 1993 đến nay, Campuchia đã có được hòa bình, ổn định thật sự để phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực như chính trị an ninh tương đối ổn định, kinh tế tăng trưởng cao, các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng; quan hệ quốc tế được củng cố và mở rộng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Để có được những thành tựu này, có nhiều yếu tố khác nhau nhưng yếu tố quan trọng nhất và mang tính quyết định là sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen và CPP. Với sự dẫn dắt của Thủ tướng Hun Sen và CPP, Campuchia sẽ còn có những bước tiến mới trên con đường xây dựng, phát triển đất nước của mình.