Vợ chồng chị Thơ - anh Nhung làm việc trong trang trại.
Được Hội CCB huyện Ba Vì, T.P Hà Nội giới thiệu, mới đây, chúng tôi về thôn Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì thăm trang trại của hội viên CCB Phùng Thị Thơ - người nổi danh “bắt đá nhả vàng”. Nghe cứ tưởng chị to khỏe lắm, ấy vậy mà khi bắt tay chào hỏi, thấy chị thật mảnh mai…
Trang trại của gia đình chị Thơ rộng 12ha, nằm trọn trên hai quả đồi của thôn Vật Yên, ngút ngát màu xanh của dứa, của nhãn, bưởi, xoài, chuối… Nắng hanh vàng và cái gió lành lạnh, đưa chúng tôi đi thăm trang trại, chị kể: Tôi gắn bó với đồng đất quê hương từ thuở lọt lòng đến giờ. “À, có 3 năm tôi xa quê, từ năm 1978 đến 1981, khi tôi tham gia Quân đội!”. Xuất ngũ, xây dựng gia đình với anh Chu Trọng Nhung nhà cùng chung bờ rào và cùng đi bộ đội một đợt với nhau. Anh Nhung ở Quân đội lâu hơn, mãi năm vừa rồi mới nghỉ hưu…
Vùng đất trang trại của vợ chồng chị bây giờ, trước đây là khu huấn luyện của bộ đội Đặc công trước khi vào Nam đánh Mỹ (nhà anh chị ngay trong làng nên biết). Vốn dĩ, đất này toàn sỏi đá. Chiếc xe tăng mô hình đặt trên đồi cho bộ đội học cách đặt bộc phá được xây bằng đá ong nên sau mấy chục năm vẫn trơ ra với mưa nắng… Năm 1997, khi địa phương chủ trương khuyến khích người dân khai hoang, phủ xanh đất trống, đồi trọc, vợ chồng chị xung phong nhận 12ha đất này để làm kinh tế. Bà con chòm xóm ái ngại, vợ chồng nhà Thơ liệu có trụ được 3 tháng không, hay là tiêu tốn sức, tiền vô ích vào vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi này?
Vậy mà, ý chí người lính đã thắng. Tính đi, tính lại thấy sườn núi Ba Vì thường bị xói mòn, những loại cây như ngô, khoai, sắn... không mang lại hiệu quả, thế là vợ chồng chị cuốc từng thửa đất để nhặt từng viên sỏi, viên đá dồn lại tạo thành vật liệu làm hàng nghìn mét đường trong trang trại rồi trồng dứa. Làm ngày, làm đêm, may cái là không đau ốm gì. Ba đứa con đi học về cũng ra sức giúp cha mẹ. Anh Nhung tâm sự: “Để có thành quả như hôm nay, vợ chồng tôi trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Lúc đầu không đồng tình với sự mạo hiểm, nhưng thấy vợ vất vả tảo tần, tôi đã cùng vợ nghiên cứu, tìm tòi, đưa công nghệ mới vào sản xuất như: Đầu tư hệ thống phun, tưới nước tự động để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng hay xử lý chất thải vật nuôi bằng chế phẩm vi sinh không gây ảnh hưởng đến môi trường… Hiện nay, các trang trại chăn nuôi đầu tư khép kín và sản xuất theo hướng hữu cơ nên hạn chế dịch bệnh và mang lại thu nhập cao”.
Ngay vụ đầu tiên, hàng vạn cây dứa đã cho trái ngọt. Rồi anh chị xây chuồng nuôi lợn rừng, cho ăn lá dứa ấy. Rồi đào hố, đổ phân lợn xuống để trồng bưởi, nhãn; trồng xen canh đậu quả, đậu củ, rau màu. Hiện nay, 12ha đồi gò của gia đình anh chị được quy hoạch 1ha mặt nước vừa nuôi cá trắm cỏ, vừa là nơi trữ nước cho cây trồng; 11ha còn lại trồng 15.000 cây dứa, 3.000 cây bưởi Diễn, 2.000 cây nhãn, vải, xoài, mít, chuối... Dưới tán cây, anh chị quy hoạch thành nhiều khu nuôi thả hơn 10.000 gà đồi, lợn rừng, bò, nhím... Với cách làm này, mỗi năm, trang trại cho doanh thu 2-3 tỷ đồng, lợi nhuận từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng...
Làm giàu cho mình, anh chị còn luôn tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên CCB và bà con nhân dân địa phương về vốn, vật tư để phát triển kinh tế, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng; chủ động giúp từ 5-7 hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Thơ- anh Nhung luôn tích cực tham gia công tác xã hội, công tác Hội CCB và làm từ thiện; được đồng đội và bà con địa phương hết lòng quý mến, khâm phục.
Năm 2017, hội viên CCB Phùng Thị Thơ được Thủ tướng tặng Bằng khen, năm 2019 được vinh danh là một trong 63 hội viên nông dân tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc. Vinh dự nhất trong năm 2020 này, chị Phùng Thị Thơ được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vừa qua. Gặp chị tại Đại hội, thấy chị tươi như hoa.
Bài và ảnh: Lê Doãn Chiêu