CCB Nguyễn Thanh Bình đang ghi chép thông tin về mộ liệt sĩ.
Mảnh đất Quảng Trị là quê hương của CCB Nguyễn Thanh Bình. Tham gia chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị - nơi nhiều đồng đội của ông nằm lại sau những trận chiến ác liệt.
Ngày ấy với nhiệm vụ của người lính trinh sát, ông Bình luôn nắm rõ tình hình địch trước trận đánh và kiểm tra trận địa khi trận đánh kết thúc. Ông từng chôn cất không biết bao nhiêu đồng đội, nhớ rõ từng hầm ngầm, công sự, đoạn chiến hào, trận địa pháo.
Dù cuộc chiến đã lùi xa nhưng ông Bình vẫn nhớ như in lời nói của các đồng đội cứ vang vọng trong đầu: “Anh em mình ngồi đây nhưng ra trận không biết ai còn, ai mất. Sau này nếu ai may mắn còn sống thì nhớ đưa anh em đã chết về với quê hương”. Lời nhắn nhủ đó được ông xem như là “mệnh lệnh” để thúc giục bước chân mình không được nghỉ ngơi với công việc đi tìm mộ phần của đồng đội như tìm lại chính phần máu thịt của mình đã bỏ lại nơi đây.
Năm 1981, khi chuyển ngành sang làm Công ty Thương nghiệp Bình - Trị - Thiên, ông đã từ chối làm việc ở thành phố Huế để đưa vợ con trở về quê hương Quảng Trị thực hiện tâm nguyện tìm lại đồng đội hy sinh trên mảnh đất Thành cổ chưa được quy tập. Việc này được thực hiện ngay sau khi ông nhận nhiệm vụ tại thị xã Quảng Trị.
Suốt gần 40 năm qua, không một đồng lương hay trợ cấp, ngày ngày người CCB ấy vẫn miệt mài đi khắp các ngóc ngách của Quảng Trị mong sớm đưa đồng đội về với gia đình. Thành cổ xưa đã bị cày xới, đổi thay nhiều khiến việc xác định vị trí chôn cất đồng đội hết sức khó khăn. Nhưng chỉ cần thân nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ là ông Bình biết chính xác đơn vị chiến đấu vùng nào, địa điểm có thể hy sinh, được cất bốc hay chưa. Chặng đường tìm kiếm mộ liệt sĩ của CCB Nguyễn Thanh Bình với nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn, nhưng với người CCB này tìm được đồng đội là niềm vui lớn nhất. Với đồng lương dành dụm được, ông Bình đã có nhiều chuyến đi đến các tỉnh từ Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình cho đến Quảng Nam, Quảng Ngãi để tra cứu thông tin về liệt sĩ hy sinh trên địa bàn thị xã Quảng Trị.
Ông Bình tìm kiếm hài cốt đồng đội theo kiểu “năng nhặt chặt bị”. Suốt ngày ông cầm bản đồ đi quanh thị xã Quảng Trị rồi đánh dấu thực địa, chỉ cần thân nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ là ông biết chính xác đơn vị chiến đấu vùng nào, địa điểm có thể hy sinh, được cất bốc hay chưa.
Hằng ngày, căn nhà nhỏ của ông Bình nằm sát bên Thành cổ Quảng Trị trở thành địa chỉ để những người bạn, người đồng đội ngày xưa tìm về hay chính là thân nhân của những người liệt sĩ tìm đến ông để thăm hỏi cũng như nhờ giúp đỡ tìm mộ phần của người thân.
Suốt thời gian qua, ông đã giúp quy tập hơn 100 hài cốt liệt sĩ Thành cổ, trong số này có 30 hài cốt đã xác định được thông tin rõ ràng. Tất cả thông tin của những hài cốt được tìm thấy đều được ông ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ để làm tư liệu khi cần.
Trong những lần đi tìm hài cốt đồng đội, ông Bình nhớ nhất là trường hợp liệt sĩ Lê Thanh Viễn (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ngày lên đường nhập ngũ, đứa con trai của Liệt sĩ và vợ là chị Nguyễn Thị Huệ chỉ vừa tròn ba tháng tuổi. Sau đó không lâu thì ông Viễn hy sinh, nằm lại ở chiến trường Thành cổ. Biết ở quê nhà bà Huệ mong ngóng được sớm đón hài cốt của chồng trở về, ông Bình khăn gói lên tàu ra Bắc tìm lại những đồng đội chung đơn vị liệt sĩ Viễn để thu thập thông tin. "Trời không phụ lòng người, sau nhiều ngày ngược xuôi tôi cũng tìm được hài cốt liệt sĩ Lê Thanh Viễn đưa về Quảng Ngãi với gia đình. Khi đưa hài cốt về tới quê, nhìn gia đình hàng xóm ai cũng rưng rưng nước mắt, chúng tôi không thể cầm lòng. Khi nào còn đồng đội chưa trở về được với quê hương thì tôi chưa cho phép mình được nghỉ ngơi…" - ông Bình nói.
Mai Phương