Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10 chất vấn Thủ tướng: Cử tri vẫn còn lo lắng về nhiều dự án đầu tư công, trong đó có những dự án rất lớn, tiến độ triển khai rất chậm, chất lượng thấp gây lãng phí nguồn lực quốc gia, chưa tạo ra các giá trị thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Cử tri cho rằng có nhiều yếu tố lỗi trong hệ thống của cơ chế giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ có những giải pháp nào hữu hiệu, thực chất hơn, là liều thuốc "đặc trị" để giải quyết căn bệnh này, đừng để trở thành bệnh "mãn tính".

Về nội dung chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:

Chính phủ đã xác định rất rõ, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, việc làm; việc các dự án bị chậm tiến độ cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hành động quyết liệt, thể hiện trong các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1053/QĐ-TTgngày 17/7/2020 thành lập 7 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đôn đốc thúc đẩy đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 để nhận diện, đánh giá những vướng mắc, nút thắt, chỉ ra một số nguyên nhân cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan liên quan về thể chế, chính sách, quy trình, thủ tục về đầu tư công, quản lý tài chính, công tác tổ chức thực hiện ở các cấp,… Trên cơ sở đó, đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây: 8 tháng đạt 49,95% kế hoạch, 9 tháng đạt 52,74% kế hoạch và ước 10 tháng đạt 60,14% kế hoạch.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là vốn ODA. Về khách quan, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tiến độ thực hiện nhiều dự án ODA không tránh khỏi bị chậm trễ, cả từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Một nguyên nhân khách quan nữa là do sự khác biệt về quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các chủ trương chính sách mới, buộc các dự án phải có sự điều chỉnh.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa sát sao, dẫn đến các khiếm khuyết đã phát hiện không được sửa chữa kịp thời, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được khắc phục...

VPCP