Đồng chí Vũ Ngọc Bình - Trưởng ban Kinh tế Hội CCB Việt Nam (thứ hai phải sang) cùng các đại biểu tham quan mô hình làm kinh tế giỏi kết hợp bảo vệ môi trường của CCB Ngô Văn Phê (xóm Tây Sơn, xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).
Tính đến tháng 9-2020, số lượng người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) đạt 844,7 nghìn người, tăng 381,6 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy nhận thức của người lao động về tính ưu việt của chính sách BHXHTN được nâng cao.
Tuy nhiên, số lượng người tham gia BHXHTN còn chiếm tỷ lệ rất thấp so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH), năm 2019 chỉ có hơn 0,9% người lao động phi chính thức tham gia BHXHTN, tức là còn khoảng 45 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng chưa tham gia BHXH.
Đối tượng tham gia BHXHTN là những người lao động thuộc khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động theo hợp đồng, lao động tự làm ở khu vực nông thôn... Đặc điểm của nhóm đối tượng này là công việc và thu nhập không ổn định, mặt bằng bình quân thu nhập thấp... từ đó dẫn tới những khó khăn trong tham gia đóng góp BHXHTN.
Bên cạnh những hạn chế trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện, chính sách BHXHTN vẫn còn những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện. Hiện nay, BHXHTN chỉ có hai chính sách dài hạn là bảo hiểm hưu trí và tử tuất; thời gian đóng dài (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng mới được hưởng); nơi mua BHXH tự nguyện gắn liền với nơi đăng ký thường trú... Thực tế, 75% người mua bảo hiểm này muốn được bổ sung thêm chế độ ốm đau và tai nạn lao động.
Anh Nguyễn Quang Thắng - CCB phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội cho biết: “Tôi lái xe phục vụ trong quân đội 11 năm và nghỉ công tác sớm vì lý do sức khỏe. Do điều kiện kinh tế khó khăn và không được biết tới BHXHTN nên tôi chưa tham gia chính sách này. Hiện nay, với mức lương bảo vệ chung cư 5 triệu đồng/tháng, tôi mong muốn được tham gia BHXHTN để đóng tiếp thời gian được hưởng chế độ hưu trí”.
Còn đối với nhiều lao động tự do như chị Đỗ Anh Hoa ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, T.P Hà Nội, băn khoăn lớn nhất khiến chị chưa tham gia BHXHTN vì không có chế độ quan tâm tới sức khỏe của người lao động. Chị tâm sự: “Tôi làm giúp việc gia đình với tiền lương khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Công việc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của gia đình nên có những thời điểm không có việc. Sức khỏe theo tuổi tác mỗi ngày mỗi yếu hơn, nếu BHXHTN rút ngắn thời gian đóng và có thêm chế độ ốm đau, tôi sẽ tự nguyện tham gia”.
Nhiều người cho rằng đóng BHXHTN không bằng việc gửi tiết kiệm. Nhưng thực tế, với một phép tính đơn giản: Nếu người dân đóng BHXHTN hằng tháng 22% trên mức 700.000 đồng của chuẩn hộ nghèo, tương đương với 154.000 đồng, thì trong vòng 20 năm khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, mỗi người được lương hưu 400.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, số tiền lương hưu này cũng được điều chỉnh tăng lên theo chính sách tiền lương của Nhà nước. Phép tính đơn giản nhưng cho thấy lợi ích khi tham gia BHXHTN.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” ngày càng giảm đi, mà theo hướng người cao tuổi tự đảm bảo cuộc sống của mình. Vì vậy BHXHTN thực sự là chính sách an sinh xã hội cơ bản tới mọi người dân, đặc biệt với người lao động khu vực phi chính thức, khu vực nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên chính sách cần linh hoạt để không chỉ lôi cuốn người lao động tham gia mà còn giữ chân họ ở lại với hệ thống.
Ông Trần Hải Nam - Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTBXH cho rằng: Cần sửa đổi về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng góp tối thiểu từ 20 năm hiện nay xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm để tạo điều kiện cho nhiều người lao động có cơ hội được tiếp cận lương hưu. Ngoài ra, các gói BHXHTN ngắn hạn linh hoạt sẽ giúp người tham gia có nhiều cơ hội lựa chọn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Để đạt mục tiêu BHXH toàn dân, các cơ quan quản lý nhà nước cần đề xuất với Quốc hội và Chính phủ để sửa đổi chính sách và cải thiện công tác tổ chức thực hiện nhằm tăng sức hấp dẫn loại hình an sinh này.
Hồ Thanh Hương