Do mời chào tham quan miễn phí, rất nhiều CCB đã “sập bẫy” nhận lời về thăm "xưởng sản xuất sữa Newzealand" tại xã Hòa Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình.
Dưới chiêu thức đài thọ miễn phí ăn uống, đi lại tham quan Nhà máy, sau đó tổ chức hội thảo tại một nhà hàng ăn uống rồi bán sản phẩm cho người tham quan, Công ty CP sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand đã bị chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình kiểm tra “dấu hiệu vi phạm, lừa đảo khách hàng…”.
Kiểm tra dấu hiệu vi phạm, lừa đảo?
Thực hiện chỉ đạo của UBNB tỉnh Hòa Bình tại Văn bản 6684/VPUBND-TH về việc phản ánh của Công ty CP sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand (viết tắt là Newzealand milk) có dấu hiệu vi phạm, lừa đảo khách hàng bằng mô hình tham quan Nhà máy sữa tại Hòa Bình, ngày 15-10-2020, UBND huyện Lương Sơn có Báo cáo số 208/UBND-TNMT báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình về kết quả kiểm tra.
Theo báo cáo, UBND huyện Lương Sơn xác định Nhà máy sữa Newzealand chỉ là xưởng sản xuất. Xưởng này được xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất từ tháng 6-2020.
Tại thời điểm kiểm tra (ngày 1-10 và 14-10-2020), UBND huyện Lương Sơn xác định có một xưởng sản xuất sữa đang hoạt động của chi nhánh Newzealand milklàm chủ đầu tư đặt tại tổ 4, thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn. Xưởng được xây dựng trên diện tích khoảng 550m2, gồm: 1 phòng nguyên liệu, 1 phòng trộn, 4 phòng đóng gói, 1 phòng kiểm tra sản phẩm thành phẩm và sử dụng 10 lao động.
Báo cáo cũng cho hay: Diện tích đất sử dụng làm xưởng sản xuất của Newzealand milkdo ông Nguyễn Hữu Thành (có địa chỉ tại Trung Thực, Thượng Vực, Chương Mỹ, T.P Hà Nội) ký hợp đồng thuê mặt bằng nhà kho với ông Nguyễn Xuân Sơn (có địa chỉ tại Nhật Tiến, Trường Yên, Chương Mỹ, T.P Hà Nội) với diện tích 550m2, nằm trong khu kho xưởng của Công ty Xuân Sơn để sử dụng vào mục đích Nhà xưởng sản xuất sữa. Thời gian thuê là 6 tháng (kể từ ngày 9-6-2020), số tiền thuê là 99 triệu đồng.
Newzealand milk sử dụng đất... trái phép?
Theo báo cáo, vị trí xây dựng nhà xưởng cho thấy khuôn viên Nhà máy sữa nằm trong diện tích 5.058,3m2 đất đã được UBND tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng thuê đất với Công ty TNHH chế biến nông sản Xuân Sơn (Công ty Xuân Sơn) từ năm 2008, và Công ty này đã bỏ địa chỉ kinh doanh, hiện đang nợ tiền thuế với Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng...
Đáng chú ý, ngoài việc nợ đọng tiền thuế thì tài sản trên đất của Công ty Xuân Sơn còn bị Ngân hàng Phát triển Việt Nam bán phát mại.
Cụ thể, ngày 5-10-2020, Chi Cục thuế huyện Lương Sơn ra Thông báo 5546/CCT-KT về việc kiến nghị thu hồi đất của Công ty Xuân Sơn do không thực hiện dự án, không hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế và đã bị mã số thuế theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, ngày 27-4-2020, Chi cục THADS huyện Lương Sơn có Quyết định thi hành án số 315. Đến ngày 3-7-2020, cơ quan này thực hiện kê biên, xử lý tài sản do Công ty Xuân Sơn thế chấp. Mặc dù vậy không hiểu sao Newzealand milk vẫn “bắt tay” ký hợp đồng thuê mặt bằng nhà kho với ông Nguyễn Xuân Sơn?
Theo Hợp đồng hai bên ký kết, ông Sơn ký dưới danh nghĩa cá nhân và phía Newzealand milk do ông Nguyễn Hữu Thành đại diện ký hợp đồng nhưng không thấy ghi chức vụ, mà chỉ thấy ký và triện dấu “Nhà máy sữa Newzealand Chi nhánh Công ty CP sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand”.
Nhiều người cho rằng việc ông Nguyễn Hữu Thành - đại diện cho Newzealand milkký Hợp đồng thuê đất với cá nhân ông Nguyễn Xuân Sơn như vậy là bất hợp pháp! UBND huyện Lương Sơn cũng có báo cáo về vụ việc này; đồng thời còn lập biên bản, yêu cầu Newzealand milk tạm dừng hoạt động, cung cấp hồ sơ, giải trình rõ với cơ quan chức năng của huyện về hoạt động của Công ty.
Theo tìm hiểu của PV, hiện cơ quan chức năng của huyện Lương Sơn như Công an, Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Y tế và QLTT… đã và đang tích cực vào cuộc làm rõ về hoạt động cũng như chất lượng sản phẩm do Newzealand milk công bố và tiêu thụ.
Trước đó, như Báo CCB Việt Nam đã thông tin, trong thời gian qua, tại tổ 4, thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn có rất nhiều CCB, cựu TNXP và người cao tuổi được Newzealand milk mời đến thăm Nhà máy sữa đặt tại xã Hòa Sơn núp dưới hình thức đài thọ miễn phí đi lại, ăn uống, tham quan di tích, danh thắng... Tuy nhiên, sau mỗi chuyến tham quan, phía Công ty lại tổ chức hội thảo bán hàng và thu về khoản tiền không hề nhỏ.
Chỉ tính riêng một tốp CCB của quận Cầu Giấy, T.P Hà Nội, đi 2 xe ô tô với khoảng hơn 70 người đến tham quan vào ngày 14-10-2020, hầu hết đều mua sản phẩm “Hồng Sâm Ngọc Linh” và một số sản phẩm khác với tổng giá trị mua lên đến hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sản phẩm Hồng Sâm Ngọc Linh được bán ra, các thành phần bên trong sản phẩm có đúng như công bố (bột hồng sâm ngọc linh chiếm 3-5%, sữa bột 55-60%...) và các thành phần này được mua từ đâu, có phải là bột sâm ngọc linh thật hay là hương liệu để đánh lừa người tiêu dùng…; giá thành đầu vào như thế nào, đơn vị nào cung cấp, sản xuất?, Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Bài và ảnh: Doanh Chính