Ông Trần Văn Ngợi (thứ nhất bên trái) cùng cán bộ, bác sĩ Trung tâm GĐYK Phú Thọ trao đổi với PV Báo CCB Việt Nam về sự việc của ông Sáu.

Từ việc dừng cắt trợ cấp, bị truy thu số tiền đã thụ hưởng, CCB, thương binh Nguyễn Văn Sáu làm đơn khởi kiện ra tòa. Sự việc đang đợi phân tranh đúng sai, xác định lỗi tại ai thì ông đã bị truy thu lại tiền bằng hình thức… khấu trừ trợ cấp thương binh.

Sai sót về chuyên môn

Như số 1354, Báo CCB Việt Nam phản ánh, năm 2010, căn cứ các hồ sơ, bệnh án, Hội đồng Giám định Y khoa (GĐYK) Phú Thọ xác định ông Nguyễn Văn Sáu mắc một trong 17 nhóm bệnh do chất độc hóa học/đi-ô-xin gây ra. Dựa trên Biên bản giám định y khoa số 1135/GĐYK ngày 9-12-2010 do Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng GĐYK Phú Thọ - Trần Văn Ngợi ký, xác định ông Sáu bị ung thư vòm họng. Biên bản không ghi tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật. Ngoài ra, tại phiếu sao hồ sơ bệnh án (ngày 15-4-2010) tại bệnh viện K (Hà Nội) chuẩn đoán ông Sáu bị ung thư vòm họng; chuẩn đoán giải phẫu bệnh: khí quản biểu mô không biệt hóa.

Ngày 1-4-2011, Sở LĐTBXH Phú Thọ có quyết định trợ cấp với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cho ông Sáu. Mức trợ cấp hằng tháng là 1.277.000 đồng.

Năm 2019, sau khi Thanh tra Bộ LĐTBXH tiến hành thanh tra, rà soát lại các trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ngày 11-5-2020, Chủ tịch Hội đồng GĐYK tỉnh Phú Thọ - Trần Văn Ngợi (người ký biên bản xác nhận ông Sáu có mắc 1 trong 17 nhóm bệnh do chất độc hóa học đi-ô-xin 10 năm trước), ký ban hành Biên bản GĐYK số 20/GĐYK-ĐCCĐHH thay thế Biên bản GĐYK số 1135/GĐYK ngày 9-12-2010. Tại biên bản này, ông Sáu được xác định mắc “ung thư vòm họng” không thuộc 1 trong 17 nhóm bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là 0%.

Từ các căn cứ trên, ngày 24-8-2020, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ trợ cấp hằng tháng người bị nhiễm chất độc hóa học đối với ông Sáu từ ngày 1-9-2020. Thực hiện truy thu số tiền trợ cấp cho ông Sáu là 196.077.000 (từ ngày 1-4-2011 đến 31-8-2020).

Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, ông Trần Văn Ngợi - Giám đốc Trung tâm GĐYK tỉnh Phú Thọ thừa nhận: Hội đồng GĐYK tỉnh Phú Thọ (thời điểm 2010) có sai sót. Khi đó, trung tâm chưa có giám định viên, thiết bị máy móc cũng không có nên bác sĩ tự xem hồ sơ của ông Sáu khám tại Bệnh viên K, sau đó dựa trên trình độ chuyên môn đưa ra đề xuất.

Ông Ngợi cho biết: Theo quy định, Hội đồng GĐYK có quyền thu hồi để hủy bỏ hoặc thay thế Biên bản GĐYK thuộc thẩm quyền ban hành khi phát hiện Biên bản GĐYK của mình không phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm khám giám định và ban hành.

Đổ lỗi cho nhau?

Liên quan vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Người có công Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ cho biết: Tháng 5-2019, Thanh tra Bộ LĐTBXH tiến hành ra soát hơn 3.700 trường hợp người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp phơi nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin ở Phú Thọ. Qua rà soát, các trường hợp theo kết quả rà soát tại biểu mẫu C của Kết luận thanh tra Bộ LĐTBXH, có 14 trường hợp giống ông Sáu bị đình chỉ trợ cấp và thu hồi lại số tiền đã hưởng.

Bà Thủy cho hay: Nếu xét về lỗi sai sót thì thuộc trách nhiệm của Hội đồng GĐYK tỉnh Phú Thọ. “Sở LĐTBXH không có chuyên môn thẩm định kiểm tra giám định sức khỏe của các đối tượng, mà chỉ căn cứ vào Biên bản GĐYK của Trung tâm GĐYK tỉnh Phú Thọ cùng các hồ sơ giấy tờ khác chứng minh ông Sáu từng đi qua vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học/đi-ô-xin để ban hành quyết định giải quyết trợ cấp. Hồ sơ tham gia quân ngũ của ông Sáu rất hoàn chỉnh, không có gì giả mạo…”.

Theo bà Thủy, đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc truy thu lại số tiền của ông Sáu. Và hiện nay Nhà nước chưa có chế tài, quy định cụ thể nào bắt buộc phải cưỡng chế các đối tượng thụ hưởng sai trả lại số tiền đã thụ hưởng.

Tuy nhiên, ngày 1-10-2020, UBND phường Tân Dân đã tổ chức buổi làm việc, thông báo đình chỉ trợ cấp, có biện pháp thu hồi số tiền trên. Ông Sáu cho hay: Dù đã trình bày hoàn cảnh khó khăn, không đồng ý với việc thu hồi lại số tiền trợ cấp và đang khởi kiện ra tòa phân định đúng sai, nhưng số tiền lương thương binh tháng 9 vừa qua của ông đã bị giữ lại, không được chi trả.

Năm 2001, vợ ông Sáu mất. Cảnh “gà trống nuôi dạy con”, lại mang trong người nhiều loại bệnh, những năm gần đây bệnh tình của ông Sáu càng nặng hơn. Hầu như tháng nào ông cũng đi viện điều trị 5-7 ngày. Đỡ bệnh thì lại về nhà. Hơn 2 triệu đồng tiền trợ cấp thương binh, cùng với trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin hơn 1,2 triệu đồng là số tiền đã giúp cho ông Sáu tồn tại, duy trì cuộc sống và chữa bệnh bấy lâu nay. Nhưng điều oái ăm là tháng 9 vừa qua, cả hai khoản tiền này ông không được nhận nữa...

Bài và ảnh: Doanh Chính