Tổng giám đốc Công ty CP Thai Binh seed - Trần Mạnh Báo (người đứng giữa) giới thiệu một loại giống mới mang năng suất cao với Đại tá Nguyễn Văn Hán (bên phải) - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Thái Bình.
Đúng hẹn, 8 giờ chúng tôi đến cơ quan Hội CCB tỉnh Thái Bình trên đường Lê Lợi, TP Thái Bình.
Đại tá Nguyễn Văn Hán - Chủ tịch Hội CCB tỉnh vừa dẫn chúng tôi đi gặp Nhà khoa học nông nghiệp, CCB, thương binh Trần Mạnh Báo, vừa say sưa kể về những hoạt động “vượt khó” của Hội Doanh nhân CCB tỉnh - nội dung mà lần này chúng tôi đến lấy tài liệu viết báo, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.
Ông Báo là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Thái Bình.
Hơn 20km mà xe đi loáng cái đã đến khu trồng lúa giống thử nghiệm thuộc Viện nghiên cứu của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed.
Chỉ sau vài khắc, ông Báo mặc bộ đồ bảo hộ lao động, đầu đội mũ rộng vành, vai vắt chiếc khăn bông bước từ dưới ruộng lên. Ông vời chúng tôi cùng ra. Đoàn còn có các thạc sĩ, kỹ sư bộ môn nghiên cứu lúa.
Do công việc mà tôi có may mắn được gặp, được viết về ông Báo một số lần. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được gặp ông trong khu trồng lúa thử nghiệm, được chứng kiến bàn tay lấm bùn, gương mặt đầm đìa mô hôi của ông.
Thật cảm động! Chiều qua, ông còn lội ruộng với bà con nông dân tỉnh Đồng Tháp... Dường như ở ngoài đồng, được sống với cây lúa, ông trẻ hơn, khỏe hơn ở trong phòng họp!
“Phóng viên Báo CCB Việt Nam là những người đầu tiên được tôi cho vào Khu nguồn vật liệu này. Nhớ là chỉ được nhìn. Tuyệt đối không được động tay vào cây lúa” - ông nói trước khi chị kỹ sư mở cánh cổng cho chúng tôi vào.
Điều ông nói thì chúng tôi hiểu. Nhưng điều mà tôi chưa hiểu, cảm thấy lo lắng, là ông vẫn dành chủ yếu thời gian để làm việc với Thạc sĩ Trần Thị Tiệc - Trưởng bộ môn nghiên cứu lúa - cán bộ dưới quyền ông. Đi đến ô lúa nào, ông cũng có việc cần căn dặn chị Tiệc: Ô lúa này phải chú ý theo dõi thế này; ô lúa kia phải chú ý theo dõi thế kia...
Thậm chí, nhiều lúc ông còn bỏ đoàn lội xuống ruộng, kiểm tra những hạt lúa trong bông lúa đã trổ; lấy máy ảnh chụp gần, chụp xa; nói thông số cho các cộng sự đi sau ghi lại...
Mà khu đồng lúa thử nghiệm của ông rộng tới 52ha, có tới hàng nghìn ô lúa, với đủ các loại giống lúa quý hiếm nhất trong nước và thế giới. Chỉ riêng giống lúa của Việt Nam, ở đây đang khảo nghiệm từ 300 đến 400 giống/vụ.
Chứng kiến niềm đam mê nghiên cứu của ông, tôi lại nhớ tháng 7-2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm ThaiBinh Seed. Thủ tướng rất vui, khen ngợi khi biết Công ty hiện có diện tích sản xuất lúa giống, chiếm khoảng 10% lượng giống lúa cả nước, thu nhập hàng chục tỷ đồng cho bà con nông dân vùng liên kết.
Hôm ấy, vừa đặt tay lên vai ông Báo, Thủ tướng vừa nói vơi lãnh đạo tỉnh Thái Bình: “Đây là anh Bộ đội Cụ Hồ, một thương binh nặng, suốt cuộc đời chỉ làm một công việc là nghiên cứu sản xuất giống lúa và đã xây dựng được một doanh nghiệp giống lớn, có tầm ảnh hưởng toàn quốc. Người như thế rất hiếm...”.
Tôi gợi hỏi ông Báo và được biết hằng năm Công ty chi tới 20.000 tỷ đồng cho nghiên cứu giống cây trồng này để mỗi năm cung ứng ra thị trường khắp cả nước hơn 25.000 tấn giống cây trồng các loại.
Còn hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, chọn tạo khảo nghiệm, sản xuất, chế biến hạt giống của Công ty cũng hiện đại nhất Việt Nam. Trong đó có 2 nhà máy chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu - công suất đạt 30.000 - 40.000 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến gạo công suất 40.000 tấn/năm; có phòng thử nghiệm quốc gia mã số LAS-N33, một Viện nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, quy mô 150ha.
Tập đoàn thực hiện 3 hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, ISO/IEC 17025-2005 và TQM. Chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với 18 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia. Và Tập đoàn là thành viên của Hiệp hội Giống cây trồng châu Á Thái Bình Dương...
Ông còn nói với tôi rất nhiều về vị trí đặc biệt quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam; về những đóng góp to lớn của người nông dân nước ta với cách mạng. Nhưng để phát triển nông nghiệp thì phải tổ chức lại, quy hoạch vùng trồng lúa, vùng chăn nuôi, vùng trồng cây ăn quả, trên cơ sở tôn trọng điều kiện tự nhiên, như thổ nhưỡng, khí hậu... Nhưng theo ông, nút thắt của tái cơ cấu nông nghiệp lại là nhận thức của hệ thống quản lý và tư tưởng tiểu nông của người nông dân...
Phải gỡ được nút thắt đó thì nông nghiệp nước ta mới “cất cánh” được.
“Còn về doanh nhân CCB?” - Ông Hán gợi hỏi.
Và cũng ngay lập tức ông Báo nói rất trúng điều tôi đang mong đợi.
Thì ra, chính ông là một trong những doanh nhân CCB đầu tiên nêu ý tưởng đề xuất với Đảng và Nhà nước ta thành lập Hiệp hội Doanh nhân CCB. Ông cho rằng doanh nhân CCB là những người có ý chí, bản lĩnh được tôi luyện trong khói lửa, mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Họ tuyệt đối trung thành với Đảng, với đất nước và nhân dân; có ý thức tôn trọng pháp luật. Đây là phẩm chất rất quý của doanh nhân CCB. Họ là đối tượng chính sách, lẽ ra Đảng và Nhà nước chăm lo cho họ, thì nay họ lại làm ra của cải, không những tự chăm lo cho mình mà còn chăm lo, tạo việc làm cho người khác, nhất là đồng đội của họ. Nét đặc thù nữa, là trên thế giới doanh nghiệp, doanh nhân nước nào cũng chỉ có hai tổ chức, là Hiệp hội Ngành hàng và Phòng Thương mại. Riêng nước ta có thêm tổ chức Hiệp hội Doanh nhân CCB.
Ông nhấn mạnh, tập hợp các doanh nhân CCB vào một tổ chức là để họ không chỉ giúp đỡ nhau về giống, về vốn, về tiêu thụ sản phẩm... mà còn góp không nhỏ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân.
Kể từ ngày thành lập Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam chưa có thành viên nào làm trái pháp luật, hằng năm đóng góp thuế cho nhà nước rất lớn. Đặc biệt là làm từ thiện, an sinh xã hội thì không đâu bằng...
Tôi hiểu những điều ông nói về vai trò, ý nghĩa của tổ chức Hiệp hội Doanh nhân CCB cả nước, trong đó có doanh nhân CCB Thái Bình mà ông đang làm Chủ tịch. Ông Nguyễn Quang Tiệp - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Thái Bình cho chúng tôi biết thêm: Hội có 360 thành viên; đoàn kết, gắn bó với nhau; giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh thành từng cụm có chung nghề nghiệp rất hiệu quả.
Điển hình như năm nay, trong khó khăn của dịch bệnh Hội đã phát động tình tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách không chỉ trong Hội mà còn đóng góp cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh 150 triệu đồng và 3.200 gói quà, mỗi gói trị giá 400.000 đồng giúp những người khó khăn do dịch bệnh.
Huy Thiêm